19/11/2011 | 11:06:20 AM

An toàn khi ăn lươn

Lươn thuộc một họ cá mang liền, sống ở nước ngọt vùng nhiệt đới, tương tự cá chình. Ở nước ta, thịt lươn quá quen thuộc từ nông thôn lên thành thị.
Lươn được chế biến đến vài chục món ăn, món nhậu và cả thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng thịt lươn cần lưu ý.

Về dinh dưỡng, dược lý:

So với các thủy sản nước ngọt khác thì thịt lươn có giá trị dinh dưỡng khá cao:

Theo bảng thành phần thức ăn của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100g thịt lươn có: 18,7g chất đạm, 0,9g chất béo, 150mg phospho, 39mg canxi, 1,6mg sắt, vitamin A, D và các vitamin B1, B2, B6, PP ...

Theo đông y, thịt lươn tính cam ôn, bổ kinh tỳ vị. Công năng chủ trị: bổ hư tổn, khu phong trừ thấp, cường kiện gân cốt... Người Nhật tôn vinh lươn đến mức gọi lươn là "sâm dưới nước", vì thịt lươn có nhiều vitamin A, đến 5.000UI/100g lươn so với 40UI/100g thịt bò; thịt lươn cũng có nhiều DHA nên thường được dùng để chế biến món ăn cho các võ sĩ sumo, quyền anh.

Về an toàn thực phẩm:

Lươn thường chui rúc dưới ao bùn, sình lầy, nước đục... Vì sống trong môi trường bẩn như thế, lại thêm thói ăn tạp, nên hệ tiêu hóa và chính cả thịt lươn có thể nhiễm vi trùng và ký sinh trùng... Theo nghiên cứu của GS Trần Vinh Hiển, cố vấn khoa học Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trên cả lươn nuôi và lươn hoang dã tỉ lệ nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum từ 0,8-29,6%, mùa khô tỉ lệ thấp và tăng dần trong mùa mưa.

Ba đặc điểm cần lưu ý về ký sinh trùng này: một là khi ở trong con lươn nó chỉ lớn chừng 1mm, nhưng khi vào cơ thể người nó phát triển 5-7mm; hai là khi vào cơ thể người ký sinh trùng này di chuyển lung tung, có thể ký sinh ở da, hạch, mắt... và cả trong não bộ; ba là ấu trùng Gnathostoma spingerum sống rất dai, chịu đựng được nhiệt độ cao. Giáo sư Trần Thị Kim Dung, bộ môn ký sinh trùng Đại học Y dược TP.HCM, cũng cảnh báo tình trạng nhiễm ấu trùng Gnathostoma spingerum khá cao ở người có thói quen ăn thức ăn chưa nấu chín kỹ như lươn xào tái, lươn gỏi...

Cũng cần lưu ý, vì thịt lươn có nhiều chất đạm, đặc biệt có axit amin histidine - là một axit amin "tối cần thiết" cho trẻ em; bình thường histidine rất tốt cho cơ thể, nhưng khi con lươn chết, axit amin này biến đổi thành chất histamine, một chất độc gây ra dị ứng miễn dịch có hại cho con người.

Tóm lại, lươn là thực phẩm rất tốt, rất bổ cho cơ thể. Nhưng theo GS.TS Nguyễn Thị Lâm, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khi chế biến cần lưu ý hai điều: một là phải đun nấu thật chín để loại trừ hẳn các ký sinh trùng "kháng nhiệt" vốn khá nhiều trong thịt lươn và hai là không dùng thịt lươn đã chết hay ươn.
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814