15/12/2015 | 12:38:02 PM

Ảnh hưởng của bệnh Rubella đến sức khoẻ

Bạn đọc Nguyễn Quỳnh Trang, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí có địa chỉ mail: trangquynhnguyen26@gmail.com, hỏi: “Tôi đang dự định sinh con, nhưng nghe nói mùa đông thường có dịch bệnh rubella ảnh hưởng đến thai nhi. Qua Báo Quảng Ninh, nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi cách phòng tránh bệnh này”. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh rubella, chúng tôi đã trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

rung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất phòng bệnh rubella. Trong ảnh: Tiêm phòng cho trẻ em tại phòng tiêm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất phòng bệnh rubella. Trong ảnh: Tiêm phòng cho trẻ em tại phòng tiêm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết, khi bà mẹ mang thai mắc bệnh rubella sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của thai nhi?

+ Bệnh rubella còn gọi là bệnh sởi Đức hoặc rubeon do vi rút rubella gây ra. Người là ổ chứa duy nhất. Bệnh này rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, bệnh gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi thường gọi là hội chứng rubella bẩm sinh - CRS (bệnh tim, mù, đục thuỷ tinh thể, điếc và chậm phát triển tinh thần) có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu có thai. Bệnh có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn. Trên lâm sàng, bệnh khó phân biệt với các bệnh sốt phát ban khác, nhất là với sởi. Có tới 50% trường hợp bệnh biểu hiện lâm sàng không điển hình.

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 14-21 ngày, trung bình 18 ngày. Thời kỳ lây truyền kéo dài từ 7 ngày trước cho tới 7 ngày sau phát ban. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người cảm nhiễm có thể bị nhiễm vi rút. Trẻ em mắc hội chứng rubella bẩm sinh có thể đào thải vi rút qua dịch tiết hầu họng, trong nước tiểu đến 1 năm sau khi sinh và là nguồn truyền nhiễm cho những người tiếp xúc. Những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Người sau khi mắc bệnh có miễn dịch bền vững. Miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 6-9 tháng sau khi ra đời, tuỳ vào lượng kháng thể của mẹ.

- Vậy làm sao để biết mình bị mắc bệnh rubella và điều trị bệnh này ra sao, thưa bác sĩ?

+ Rất nhiều người nhầm lẫn rubella với bệnh sởi. Tuy nhiên, khi bị rubella, người bệnh thường có những biểu hiện: sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, chấm, sau tai. Có nhiều bệnh nhân nhi nổi ban mà không có triệu chứng gì báo trước. Còn ở bệnh nhân vị thành niên và người lớn thường có biểu hiện sốt trên 390C, đau đầu, mệt mỏi, đau ngực, viêm mũi, ho, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt nhiều kèm theo cảm giác có hạt cát trong mắt.

Các triệu chứng trên giảm đi khi nổi ban. Biểu hiện ban là các nốt màu đỏ sẫm hoặc chấm xuất huyết ở vòm miệng. Ban xuất hiện đầu tiên ở mặt, sau đó nhanh chóng lan xuống cổ, cánh tay, thân mình và  chân. Các ban này có màu hồng tươi, lúc đầu không rõ nhưng sau đó liên kết với nhau ở mặt giống như đỏ da lan toả. Trong vòng 2 ngày, các ban ở mặt biến mất, khi đó các ban ở thân tụ lại với nhau và trở nên rõ hơn. Đến ngày thứ 3, các ban ở thân cũng lặn đi và ngày thứ 4 thì các ban ở chi mờ dần. Hạch sưng xuất hiện trước khi nổi ban 5-7 ngày và sưng to nhất sau khi nổi ban 1-2 ngày. Hạch to toàn thân nhưng đặc trưng ở các vị trí dưới chẩm, sau tai và hạch cổ. Hạch có thể đau trong vài ngày nhưng kích thước to tồn tại trong vài tuần lễ. Lách có thể thấy sưng to trong một vài trường hợp. Tuy nhiên, khoảng 40% trường hợp người mắc bệnh Rubella không có ban.

Bệnh rubella không có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị các triệu chứng của bệnh. Cách tốt nhất là nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân. Phụ nữ mang thai khi bị bệnh rubella cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn.

- Bệnh này phòng bằng cách nào, thưa bác sĩ?

+ Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Sau khi tiếp xúc, phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh phòng ở của người bệnh bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi/rubella là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất. Có thể sử dụng vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp (sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella). Đối tượng cần tiêm vắc xin rubella là người từ 9 tháng tuổi trở lên, nhất là với trẻ em, phụ nữ tuổi sinh đẻ và một số nhóm có nguy cơ mắc cao (cán bộ y tế, giáo viên…). Số liều: Tiêm 1 liều vắc xin rubella.

- Xin cảm ơn bác sĩ!


Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2024, bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814