19/7/2012 | 8:11:34 PM

Bệnh giãn phế quản

Bệnh giãn phế quản là sự giãn không hồi phục của các phế quản trung bình bao gồm các phế quản từ thế hệ thứ 3-phế quản phân thùy đến thế hệ thứ 8.

Tổn thương chính là các phế quản bị hủy hoại cấu trúc các sợi cơ, sợi chun và sụn phế quản, do đó làm yếu thành phế quản và phế quản bị giãn ra theo kiểu hình trụ hoặc hình túi và được chia làm 2 loại là giãn phế quản mắc phải và giãn phế quản bẩm sinh.

Giãn phế quản là hậu quả của các bệnh như viêm xoang, viêm tai, viêm mũi, viêm vùng răng miệng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, một số bệnh nghề nghiệp...

Giãn phế quản mắc phải

Loại này chiếm tới 90% số bệnh nhân giãn phế quản, thường xảy ra sau khi mắc phải các bệnh sau:

Viêm đường hô hấp kéo dài: giãn phế quản là hậu quả của các bệnh như viêm xoang, viêm tai, viêm mũi, viêm vùng răng miệng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, một số bệnh nghề nghiệp... Các bệnh này gây nhiễm trùng ở các phế quản kéo dài và tái phát nhiều lần dẫn đến tổn thương các sợi cơ, sợi chun và sụn phế quản. Đồng thời, các chất xuất tiết ùn tắc lại trong phế quản và gây ra phản xạ ho từ đó gây tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài và dẫn tới giãn phế quản.

Lao phổi: trong bệnh lao phổi sau khi điều trị lành sẽ gây ra các xơ sẹo, sau đó chúng phát triển sẽ gây biến dạng và chít hẹp phế quản, tại đó luôn có tình trạng viêm nhiễm và ứ đọng các chất xuất tiết sẽ dẫn tới tổn thương các cấu trúc thành phế quản, kết hợp với phản xạ ho gây tăng áp lực kéo dài sẽ làm phế quản bị giãn ra. Tùy từng thể lao mà khả năng gây giãn phế quản khác nhau, như lao xơ hang gây giãn phế quản nhiều hơn 4 lần lao hạt và nhiều hơn 11 lần lao thâm nhiễm.

Các bệnh viêm nhiễm vi rút ở phổi và phế quản: các bệnh này gây ho và tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài, lúc đầu, giãn phế quản chỉ là tạm thời nhưng nếu điều trị không tốt thì tổn thương sẽ trở thành không hồi phục và dẫn tới bệnh giãn phế quản.

Các tổn thương gây hẹp phế quản: các bệnh lý gây hẹp phế quản như polip phế quản, dị vật phế quản, các bệnh lý hạch ở rốn phổi như lao hạch, Hodgkin, Lymphosacom... Khi các phế quản bị hẹp sẽ gây ứ đọng trong lòng phế quản và làm cho phế quản bị viêm nhiễm, xuất tiết kéo dài từ đó làm tổn thương cấu trúc thành phế quản, đồng thời sự chít hẹp này cũng gây tăng áp trong lòng phế quản dẫn tới giãn phế quản.

Giãn phế quản do hóa chất: thường gặp ở những người làm việc lâu ngày với các hóa chất bay hơi. Các hóa chất này khi hít phải vào đường hô hấp chúng sẽ gây kích thích, tăng tiết và tổn thương cấu trúc thành phế quản đồng thời gây phản xạ ho và tăng áp trong lòng phế quản nếu kéo dài sẽ dẫn tới giãn phế quản.

Giãn phế quản bẩm sinh

Giãn phế quản bẩm sinh chỉ chiếm khoảng 10% số người mắc bệnh giãn phế quản. Đa số đều thấy ở người trẻ và có kết hợp với bệnh phổi đa nang. Giãn phế quản bẩm sinh thường là loại giãn phế quản hình túi và thường có những tổn thương bẩm sinh khác kèm theo.

Bệnh giãn phế quản thường có các biểu hiện lâm sàng khác nhau vì nó tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, diện rộng của tổn thương và mức độ giãn của phế quản. Tuy nhiên giãn phế quản thường có các dấu hiệu như:

Sốt: người bệnh chỉ sốt ở giai đoạn ứ đọng mủ và đàm trong phế quản do không khạc ra được, thông thường chỉ sốt nhẹ khoảng 380C, có khi đến 39 - 400C. Ngoài những đợt này thì bệnh nhân có thể không sốt.

Người bệnh thường gầy yếu, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn. 

Dấu hiệu “ngón tay dùi trống” và “móng tay hình mặt kính đồng hồ”:  dấu hiệu này có thể gặp ở khoảng 1/3 số người mắc bệnh giãn phế quản và thường gặp ở những người mắc bệnh lâu ngày, có các rối loạn về chức năng hô hấp và tim mạch.

Ho khạc đàm: đây là triệu chứng nổi bật nhất của bệnh. Người bị giãn phế quản thường bị ho về sáng khạc ra nhiều đàm mủ với số lượng khoảng 100 - 300ml.

Đờm thường có màu vàng của sữa, có khi màu trắng đôi khi có màu xanh và có mùi hôi. Nếu để sau 6 giờ thì sẽ thấy chúng chia thành 2 phần gồm mủ ở dưới và dịch ở trên. Nếu bị nhiễm trùng nặng thì phần dịch có lẫn mủ. 

Ho ra máu: khoảng 20 - 50% số người mắc bệnh giãn phế quản có ho ra máu. Số lượng máu ho ra thường ít nhưng cá biệt có trường hợp ho ra máu lượng nhiều. Một số ít trường hợp ho ra máu lẫn đàm.

Đau tức ngực, khó thở: khoảng 50 - 70% số trường hợp có triệu chứng đau tức ngực và 20% có triệu chứng khó thở. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường xuất hiện trong những đợt bội nhiễm nặng.

X-quang phổi có giá trị rất lớn trong chẩn đoán bệnh giãn phế quản.

Soi phế quản: có thể thấy được chỗ chít hẹp trong trường hợp giãn phế quản do bị chít hẹp phế quản. Cho phép tìm được nơi dịch mủ và máu từ các phế quản giãn chảy ra, từ đó có thể sinh thiết niêm mạc phế quản và lấy dịch mủ đi cấy khuẩn và làm kháng sinh đồ.

Cách phòng tránh

Giãn phế quản là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được, để không xảy ra bệnh giãn phế quản cần thực hiện các biện pháp sau:

- Không được để viêm phế quản, viêm phổi kéo dài hoặc tái diễn. Do vậy, khi mắc các chứng bệnh này cần phải điều trị dứt điểm ngay.

- Cần chú ý tiêm phòng bệnh ho gà, cúm...

- Điều trị tốt bệnh lao phổi.

- Cần lấy bỏ sớm các dị vật ở phế quản khi mắc phải.

Bệnh giãn phế quản hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa để giải quyết triệu chứng bằng cách:

- Dẫn lưu tư thế để mủ và các chất xuất tiết trong phế quản giãn dễ dàng thoát ra ngoài.

- Dùng các thuốc long đàm, sử dụng khí dung có kháng sinh và uống nhiều nước để làm loãng đàm dễ khạc.

- Khi có đợt bội nhiễm phải dùng kháng sinh tích cực theo kháng sinh đồ.

- Tập thở thông qua việc tập vật lý trị liệu.

Ngoài ra còn có thể điều trị ngoại khoa như mổ cắt bỏ thùy phổi hoặc cả lá phổi có giãn phế quản và chỉ mổ khi đã hết đợt bội nhiễm. n

Giãn phế quản thường để lại các biến chứng như: viêm phổi tái diễn ở vùng phế quản giãn, áp-xe phổi, mủ màng phổi, khí thũng phổi, suy hô hấp mãn và tâm phế mãn.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814