Đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế ở người

Cập nhật: 8/4/2016 | 9:29:32 AM

Thế giới ước tính trong 20 năm, số người mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54%. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ cần 10 năm đã tăng đến 200%. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng từ bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung.

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” do Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới phối hợp tổ chức ngày 7/4 hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới.

Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Sau 10 năm tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính nước ta có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường.

Đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có 1/4 uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây và có tới gần 30% thiếu hoạt động thể lực. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa như: thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.

Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng ký làm xét nghiệm đường huyết

Báo động về mức gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường tại nước ta, TS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc BV Nội tiết TW cho biết, thế giới dự báo trong 20 năm 2010-2030 tỷ lệ mắc đái tháo đường trên toàn cầu tăng 54% thì tại Việt Nam chỉ trong 10 năm đã tăng tới 200%. Tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng gia tăng nhanh chóng từ 7,7% lên gần 14%.

Điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở miền Tây Nam Bộ, sau đó đến duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Hồng (có TP Hà Nội), và Đông Nam Bộ (TP HCM). Qua đó cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh của Việt Nam tăng rất nhanh và trải đều trên toàn quốc chứ không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn.

Nước ta cũng có đến gần 64% người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình bắc bệnh, tỷ lệ này ở các nước phát triển là 20-30%. Ngoài ra, độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa.

“ Trước chúng ta nghĩ người 40-45 tuổi mới mắc bệnh tuy nhiên hiện nay lứa tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa. Thậm chí các bác sĩ đã khám và điều trị cho trẻ 12,13 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 2, không chỉ ở thành phố lớn như ở Hà Nội mà cả ở các tỉnh miền núi như Phú Thọ”, tiến sĩ Dương nó

Vì sao tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam gia tăng?

Theo TS Phan Hướng Dương, đái tháo đường là bệnh mãn tính không lây đang gia tăng rất nhanh trên toàn thế giới. 80% bệnh nhân đang sống tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân hàng đầu là do lối sống ít vận động, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng và sự đô thị hóa.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây béo phì

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng nhanh chóng của bệnh ngoài vấn đề dân số tăng nhanh, tỷ lệ già hóa dân số nhanh thì phải đề cập đến vấn đề chế độ dinh dưỡng. Trong thời gian dài, tổng số năng lượng không thay đổi nhưng khẩu phần thay đổi đổi nhanh chóng và tạo ra sự mất cân bằng trong khẩu phần ăn và dư thưa năng lượng. Chỉ lấy ví dụ mức độ thiêu thụ dầu, mỡ tăng nhanh từ 12 g mỗi người trên ngày vào năm 1985 thì đã tăng lên 24,9 g vào năm 2000 và tăng vọt lên 37.7 g vào năm 2010- cao hơn rất nhiêu các nước.

Tiếp đến là nguyên nhân do thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dựng rượu bia. “Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có 25% uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây, có đến 30% người dân thiếu hoạt động thể lực”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Chính sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn đến các rối loạn sinh hóa, chuyển hóa như thừa cân, béo phì, rối loạn đường màu, mỡ máu dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường.

Có thể phòng ngừa đái tháo đường được không?

Ông Lại Đức Trường, cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ, đái tháo đường đang trở thành bệnh dịch trên toàn thế giới. Số tử vong do căn bệnh này gấp hơn 3 lần khi so với HIV/AIDS hay lao và gấp gần 10 lần so với sốt rét. Bệnh phổ biến thế giới, cứ 11 người trưởng thành thì có 1 người bị đái tháo đường. Được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, đái tháo đường tiến triển từ từ nhưng để lại hậu quả rất trầm trọng: đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương bàn chân, loét chân có thể cắt cụt.

Thường xuyên luyện tập thể dục cũng là một trong những cách phòng, ngừa bệnh đái tháo đường

Bệnh nguy hiểm nhưng theo TS Trường phần lớn có thể phòng được. Theo đó, người dân cần nắm được thông tin về bệnh khi xác định có nguy cơ cao thì phải đi làm xét nghiệm phát sớm để quản lý điều trị kịp thời. Đặc biệt quan trọng là thực hiện lối sống lành mạnh: bỏ hút thuốc, ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, giảm đường, giảm muối, không uống rượu bia ở mức gây hại, hoạt động thể lực.

“Hoạt động thể lực không chỉ là thể thao, thể dục mà trong công việc hằng ngày như đi thang bộ thay thang máy cũng được coi là hoạt động thể lực vì thế người dân cần tận dụng. Ngồi lâu 1 chỗ cũng có thể có tác hại giống như hút thuốc lá”, ông Trường nói.

 

Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm nay, Bộ Y tế khuyến cáo:

-Mỗi người dân cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý,

-Tăng cường vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày

- Không hút thuốc và không lạm dụng rượu, bia để dự phòng mắc đái tháo đường nói riêng cũng như các bệnh không lây nhiễm nói chung.

- Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh sớm.

Người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin