10 nguyên tắc giúp ổn định đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường nhất định phải nhớ
Cập nhật: 15/11/2018 | 10:21:15 AM
BS. Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, dinh dưỡng hợp lý là một trong ba phương pháp cơ bản để điều trị bệnh đái tháo đường, bên cạnh việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.
“Dinh dưỡng hợp lý là vấn đề then chốt giúp duy trì cân nặng, kiểm soát đường huyết, tránh các biến chứng: tăng hay hạ đường huyết cho người bệnh”- BS. BS. Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, nhằm ổn định đường huyết thì người bệnh đái tháo đường nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
1. Nên ăn ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.
2. Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%), cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ. Các thực phẩm có nhiều chất xơ như gạo lứt, bánh mỳ đen, rau, củ,… mỗi ngày ăn từ 300g - 500g rau.
BS. Nguyễn Trọng Hưng tư vấn chế độ dinh dưỡng phòng bệnh đái tháo đường cho người dân tại Ngày hội thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường năm 2018. |
3. Tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ.
4. Giữ đúng giờ ăn theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, nên thay thế bằng thức ăn phù hợp.
5. Tránh ăn và/hoặc uống các thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như đường kính, đường mật, mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt đóng chai.
6. Ăn hạn chế các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều mỡ, cholesterol (thịt mỡ, mỡ, bơ, phủ tạng động vật…). Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như đậu phụ, vừng lạc, cá…
Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật và ở dạng trộn nộm, salad. Hạn chế các món xào nhiều dầu hoặc mỡ, các món rán, nướng…
Dinh dưỡng hợp lý là một trong ba phương pháp cơ bản để điều trị bệnh đái tháo đường. |
7. Cố gắng ăn giảm lượng muối, gia vị chứa muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp, suy thận.
8. Cố gắng hạn chế sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia.
9. Nên duy trì cân nặng “nên có”.
10. Nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo hẹn của bác sĩ.
Báo động 80 ca tử vong mỗi ngày vì bệnh đái tháo đường Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỉ lệ tử vong đứng thứ 3. Theo số liệu Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) đã công bố năm 2017, ước tính cứ 11 người trưởng thành (20-79 tuổi) lại có 1 người bị đái tháo đường tương đương 425 triệu người. Ước tính đến năm 2045 sẽ có gần 700 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Tại Việt Nam, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%. Bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày. |
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)