Hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 – Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường
Cập nhật: 12/11/2024 | 2:28:43 PM
Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 được thiết lập bởi Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 1991 và đã trở thành một ngày chính thức của Liên hợp quốc vào năm 2006. Đây là dịp để nhắc nhở và nâng cao nhận thức của cộng đồng toàn cầu về sự nguy hiểm của căn bệnh này, tạo ra một môi trường hỗ trợ toàn diện cho người bệnh – không chỉ về mặt y tế mà còn về tinh thần và xã hội.
Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến và đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) năm 2021, số người mắc bệnh đã lên tới 537 triệu và dự báo sẽ tăng lên đến 783 triệu vào năm 2045. Điều đáng lo ngại hơn là 75% số người mắc bệnh sống tại các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi khả năng tiếp cận chăm sóc và chẩn đoán bệnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tỉ lệ mắc đái tháo đường type 2 chiếm tới 96% các trường hợp, phần lớn do ảnh hưởng của lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh và tình trạng béo phì gia tăng.
Tại khu vực Đông Nam Á, hiện có khoảng 90 triệu người mắc bệnh và con số này có thể tăng lên 151 triệu vào năm 2045. Việt Nam, như nhiều quốc gia khác trong khu vực, đang phải đối mặt với áp lực lớn về chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật liên quan đến đái tháo đường, bao gồm nguy cơ cao của các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
Kết quả điều tra quốc gia các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2021, cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7,1% và tiền đái tháo đường là 11%. Trong đó, tỉ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán là hơn 60% và 65% người trưởng thành chưa từng được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường. Riêng tại TP.HCM, kết quả điều tra năm 2020, tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường lần lượt là 8,6% và 15,5%.
Việc xây dựng một cộng đồng đồng cảm, thấu hiểu và hỗ trợ người mắc bệnh sẽ giúp họ không chỉ quản lý bệnh tốt hơn mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Những thông điệp chính của Ngày Đái tháo đường thế giới năm 2024 bao gồm:
• Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường – 14/11: Kêu gọi toàn cầu cùng chung tay nâng cao nhận thức và phòng chống bệnh.
• Bảo vệ sức khỏe và tương lai hạnh phúc của phụ nữ: Đặc biệt quan tâm đến đái tháo đường ở phụ nữ để đảm bảo sức khỏe và tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau.
• Nhận biết nguy cơ cá nhân: Khuyến khích mọi người hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh của bản thân để chủ động ứng phó và phòng ngừa.
• Xét nghiệm đường máu định kỳ: Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
• Dinh dưỡng và hoạt động thể lực hợp lý: Đái tháo đường có thể phòng ngừa nếu áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì vận động thường xuyên.
• Kiểm tra đường huyết hàng năm: Đừng quên xét nghiệm đường máu định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
• Tác động tới sức khỏe và kinh tế: Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe và kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội.
• Duy trì vận động hàng ngày và chế độ ăn uống hợp lý: Các hoạt động thể lực và dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa đái tháo đường.