Bảo vệ bàn chân người bệnh đáo tháo đường
Cập nhật: 29/8/2012 | 10:12:14 AM
Với người bị đái tháo đường, bàn tay, bàn chân thường thường bị tê, không thấy được cảm giác nóng lạnh, đau đớn. Do đó họ hay bị phỏng, da thịt bị cắt đứt mà không biết. Các vết thương dù nhẹ cũng dễ trở nên trầm trọng, lâu lành, đôi khi cần phải phẫu thuật cắt bỏ.
Để tránh tổn thương cho bàn chân, việc quan trọng trước tiên là cần giữ lượng đường trong máu ở mức độ bình thường. Có thể đo đường huyết ở nhà theo hướng dẫn của thầy thuốc với dụng cụ đơn giản, tiện lợi và chính xác. Bệnh nhân cũng cần dùng thuốc, giữ gìn ăn uống, tập luyện cơ thể theo lời dặn của bác sĩ. Ngoài ra cần chăm sóc bàn chân cẩn thận như sau:
Giữ chân sạch: Rửa chân mỗi ngày với nước ấm, dùng loại xà bông trung bình không mạnh quá. Lau chân và kẽ ngón chân cho khô với khăn mềm, nhớ đừng chà quá mạnh, rồi thoa kem mềm da, nhất là ở gót chân.
Kiểm tra cẩn thận bàn chân mỗi ngày, giữ chúng sạch sẽ và khô ráo. |
Kiểm tra chân mỗi ngày
: Quan sát bàn chân xem có bị trầy da, cắt thịt, chảy máu, vết thâm, nhất là ở kẽ ngón chân. Thông báo cho bác sĩ ngay nếu thấy có dấu hiệu tổn thương bất thường.
Cắt móng chân: Cắt ngang bằng, đừng quá sát vào da và đừng cắt theo chiều cong của móng, để tránh móng mọc ngầm dưới da.
Nếu có mụn nước ở chân: Khi chân có những mụn nước, chỉ nên bôi lên mụn một lớp thuốc mỡ kháng sinh chứ đừng chọc thủng, bóp nước ra vì làm như vậy là mở đường cho vi trùng xâm nhập. Sau vài ngày, nếu mụn nước không lành, nên đi khám bác sĩ.
Tập luyện: Tập một vài cử động nhẹ ở hạ chi để máu huyết lưu thông. Tránh cho chân khỏi bị quá lạnh hoặc quá nóng. Nằm ngủ, nên nới rộng chăn mền phủ nơi chân để tránh sức nặng cho bàn chân.
Tránh gây thương tích cho bàn chân: Luôn luôn đi tất khi mang giầy để tránh cọ xát gây trầy da. Không nên đi dép vì chân bị hở dễ bị trầy da cắt thịt khi đụng vào vật cứng. Không mang giầy gót cao, mũi quá nhọn gây trở ngại máu lưu thông cũng như không vững khi di động. Giầy cần hơi rộng, mềm cho thoáng khí. Cần thường xuyên để ý xem trong giầy có hạt cát, vật nhỏ có thể gây trầy da. Không đi chân đất, đi trong giầy ướt, không rửa chân bằng nước quá nóng, quá lạnh. Không dán băng keo, bôi hóa chất, trên da chân. Không thoa bóp chân bằng máy massage, không tự cắt chai da hay bôi thuốc tẩy chai.
Giữ lưu thông máu tốt: Không nên mang tất làm bằng nylon, tất có dây thun ở trên, vừa bí hơi vừa gây cản trở sự lưu thông của máu. Thay tất thường xuyên. Không hút thuốc lá vì thuốc lá có ảnh hưởng xấu tới sự lưu thông của máu. Không nên di chuyển quá sức, khi bàn chân mỏi, nghỉ ít phút, nâng bàn chân hơi cao cho bớt sưng.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)