Tiểu đường ở trẻ em
Cập nhật: 10/12/2012 | 3:42:09 PM
Nói đến tiểu đường, người ta thường cho rằng đây là căn bệnh của người lớn. Đa số gia đình không nghĩ bệnh có thể xảy ra ở trẻ em.
Ít biết
Bệnh tiểu đường (TĐ) ở trẻ em thường được phân biệt thành TĐ ở trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng) và TĐ ở trẻ lớn. Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bệnh TĐ ở trẻ sơ sinh khác hẳn với trẻ lớn, vì 90% bệnh ở trẻ sơ sinh là do đột biến gien; việc điều trị phức tạp hơn. Thường TĐ ở trẻ sơ sinh vào viện là vì một bệnh lý khác (như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng sơ sinh...), và qua xét nghiệm thì mới phát hiện trẻ bị TĐ. Ở trẻ lớn, TĐ dạng 1 chiếm tới 90%, đây là dạng TĐ phụ thuộc insulin do tuyến tụy không sản xuất đủ nên gây ra tình trạng tăng đường huyết.
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh TĐ. Yếu tố môi trường gồm hóa chất và nhiễm siêu vi có thể tác động nhiều đến bệnh nhân vài năm trước khi bệnh khởi phát. Ngoài ra, dưới 10% các trường hợp bệnh có mối liên quan với yếu tố gia đình. TĐ trẻ lớn dạng 2 thì gặp ít hơn và thường loại này có mối liên quan khá chặt chẽ đến tình trạng béo phì.
Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang theo dõi điều trị cho khoảng 100 ca bị TĐ, mỗi tháng khoa Nội tiết tiếp nhận 3-5 ca bệnh mới vào điều trị. Lứa tuổi mắc nhiều là từ 8-15 tuổi. Triệu chứng kinh điển của bệnh là ăn nhiều, uống nước nhiều, đi tiểu nhiều lần (đi tiểu đêm), sút cân nhanh và nhiều, nhưng vì phần lớn thời gian trẻ ở trường nên gia đình khó phát hiện. Nếu để tình trạng bệnh nặng không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng như: hôn mê, nhiễm a xít...
Để ý biểu hiện ở trẻ
Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, cần lưu ý nhiều đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt ở trẻ. Cụ thể, trong ăn uống cần tránh tối đa thức ăn chế biến sẵn, tránh dùng nhiều nước ngọt có gas; tránh thụ động, xem ti vi nhiều. Cần theo dõi cân nặng của trẻ. Nếu trẻ đột ngột ăn uống quá nhiều, tiểu nhiều (trên 3 lít/ngày, xuất hiện tiểu đêm, tiểu dầm), sụt cân nhanh (có bé sụt hơn 2 kg/tuần) thì nên đưa đi khám tầm soát ngay.
Điều trị bệnh TĐ cho trẻ thường rất phức tạp và rất cần sự hợp tác gia đình bệnh nhi. Nhiều bé không chịu được vì đau (do phải thử đường huyết mỗi ngày). Ngoài ra, còn có khó khăn nữa trong điều trị bệnh ở trẻ nhỏ là chế độ ăn uống ngặt nghèo và việc tiêm thuốc mỗi ngày. Do vậy, các bác sĩ cần tư vấn kỹ để gia đình bệnh nhi hợp tác tốt trong việc theo dõi và điều trị bệnh cho trẻ.
Nếu tuân thủ chế độ ăn uống và điều trị thích hợp thì trẻ mắc bệnh vẫn có thể phát triển như những trẻ bình thường khác.
(Nguồn: thanhnien.com.vn)