Ðối mặt với nguy cơ bệnh đái tháo đường tăng gấp đôi

Cập nhật: 30/5/2013 | 4:25:56 PM

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2011 số người bị bệnh ĐTĐ là 366 triệu người. Dự đoán tới năm 2030, toàn thế giới có khoảng 552 triệu người mắc bệnh. Số người mắc bệnh tăng đồng đều ở mọi quốc gia, trong đó có tới 80% người mắc bệnh đang sống ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Cho tới nay, 183 triệu người bị bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán.

Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật. Theo GS.TS. Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết, ĐTĐ Việt Nam, tỷ lệ ĐTĐ ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng phát triển mạnh, chỉ trong khoảng 10 năm, số người mắc bệnh được phát hiện đã tăng gấp đôi. Theo một nghiên cứu trên toàn quốc của BV Nội tiết Trung ương cách đây 5 năm thì tỷ lệ bệnh ĐTĐ 2,7% được ghi nhận, nhưng tới năm 2012, con số này đã lên tới 5,7%.

Ðối mặt với nguy cơ bệnh đái tháo đường tăng gấp đôi  1
Tăng cường tập thể dục để phòng ngừa bệnh ĐTĐ.

Tại sao tình trạng bệnh ĐTĐ lại gia tăng một cách báo động như vậy? Cũng theo GS. Thái Hồng Quang, nhờ sự phát triển của ngành y tế nên bệnh ngày càng được chẩn đoán và sàng lọc sớm, cùng với công tác tuyên truyền tốt nên tăng sự hiểu biết của cộng đồng, tăng cường khám bệnh, xét nghiệm máu nên đã phát hiện được bệnh nhiều hơn. Ngoài ra, điểm cắt của chẩn đoán bệnh ĐTĐ đã được hạ thấp. Trước đây, khi mức đường huyết là 7,8mol/l mới được chẩn đoán là ĐTĐ thì ngày nay với mức 7,0mol/l đã được coi là mắc ĐTĐ.

Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có sự thay đổi lối sống mạnh mẽ, sự di chuyển dân cư từ nông thôn tới thành thị và các bữa ăn nhanh, giàu chất béo. Cùng với đó là cuộc sống tăng trưởng, kinh tế phát triển, sự vận động giảm... là những yếu tố nguy cơ cao khiến bệnh ĐTĐ gia tăng. Ngoài ra, ở một số nghiên cứu thì những người châu Á phải trải qua thời kỳ chiến tranh, có tỷ lệ ĐTĐ cao hơn so với vùng không có chiến tranh.

GS. Quang phân tích: Việt Nam trước đây là một quốc gia nghèo, qua 30 năm chiến tranh, một số bộ phận dân cư thiếu dinh dưỡng, do đó tuyến tụy được sinh ra có chức năng sản xuất insulin để chuyển hóa đường ở mức vừa phải. Hiện nay, mức sống đầy đủ, thức ăn dư thừa nên tuyến tụy phải sản xuất insulin quá mức dẫn tới suy kiệt tế bào và bệnh ĐTĐ là điều khó tránh khỏi.

Ðối mặt với nguy cơ bệnh đái tháo đường tăng gấp đôi  2
Tụy tạng tiết ra insulin quá mức dẫn tới suy kiệt tế bào.

Tuy nhiên, GS. Thái Hồng Quang cũng cho biết, dự phòng bệnh ĐTĐ là việc hoàn toàn có thể làm được. Trước hết, những người có yếu tố nguy cơ như: 45 tuổi trở lên; có bệnh tăng huyết áp; rối loạn lipid máu; đã có lần xét nghiệm đường máu cao; có ĐTĐ thai kỳ; phụ nữ đẻ con hơn 4kg; trong gia đình có thế hệ 1 mắc bệnh ĐTĐ... thì phải được quan tâm đặc biệt tới sức khỏe, đi khám bệnh, xét nghiệm đường huyết, làm nghiệm pháp dung nạp glucose thường xuyên để chia loại mức độ bệnh và tầm soát bệnh, nhằm dự phòng bệnh tiến triển và biến chứng. Tăng cường vận động thể lực, ăn uống hợp lý... để can thiệp tiền ĐTĐ và ĐTĐ.


(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin