Báo động nguy cơ tiền tiểu đường
Cập nhật: 19/7/2013 | 4:42:52 PM
Người có mức đường huyết nhỉnh hơn bình thường nhưng chưa vượt ngưỡng thì được xếp vào giai đoạn tiền đái tháo đường. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy, phần lớn những người bị tiền đái tháo đường sẽ tiến triển ở tuýp 2 trong vòng 10 năm, nhưng nếu quyết tâm điều trị thì có thể giảm nguy cơ tới 58%.
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ
Giai đoạn tiền đái tháo đường âm thầm phát triển qua các năm nên hầu hết không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể có vấn đề về hội chứng quá trình chuyển hóa kháng insulin đang tiến triển:
Cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn no. Nếu điều này thường xuyên xảy ra, nghĩa là cơ thể người đó báo hiệu có thể chế độ ăn uống của họ quá “thân thiện” với bệnh đái tháo đường.
Thèm thức ăn có nhiều đường, muối và chất béo nhất. 3 thành phần này về lâu dài bất lợi cho sức khỏe nhưng mùi vị khó cưỡng, nó tác động đến bộ não làm cho người ta cảm thấy “nghiện” hơn.
Thừa cân, béo phì - đây là yếu tố chính gây nên nguy cơ đái tháo đường. Đặc biệt đáng lo ngại là khi bạn cố giảm lượng calo tiêu thụ nhưng cân nặng vẫn không giảm. Điều đó chứng tỏ các tế bào đang đói vì chúng cần nhiên liệu (dưới dạng glucose), nhưng cơ thể khi đó lại không đủ các thụ thể insulin chuyển hóa đường trong máu cho tế bào. Do thiếu năng lượng, cơ thể sẽ dự trữ năng lượng ở nguồn thay thế là chất béo.
Huyết áp cao cũng là một yếu tố của tiền đái tháo đường nhưng nó đi cùng một số điều kiện khác – đó là béo bụng, mệt mỏi, chỉ số mỡ máu cholesterol và triglycerides cao.
Nếu chỉ số thử đường huyết lúc đói từ 100-125 mg/dL nghĩa là người đó đã ở giai đoạn tiền đái tháo đường. Ngoài ra, một số người nên kiểm tra đường huyết định kỳ nếu rơi vào trường hợp có nguy cơ cao như: 45 tuổi trở lên; Người trong gia đình đã bị đái tháo đường; Mắc tiểu đường khi mang thai; Hoạt động thể chất không được 3 lần một tuần…
Những sai lầm cần tránh
Những người đã có mức đường huyết bắt đầu báo động đôi khi mắc phải một số sai lầm phổ biến sau:
Giảm ít cân sẽ không hiệu quả. Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt đối với hơn 3.200 người Mỹ tham gia trong vòng 3 năm cho thấy, những thay đổi hàng ngày, ăn uống lành mạnh hơn và năng vận động sẽ giúp giảm cân. Chỉ cần bớt đi 5-7% trọng lượng cơ thể cũng có thể tránh nguy cơ đái tháo đường tới 58%, bởi chắc chắn mỡ bụng sẽ bị giảm trước tiên, mà mỡ ở vùng bụng vốn được cho là thủ phạm làm hạn chế chức năng gan khi điều chỉnh lượng đường trong máu.
Xem nhẹ chẩn đoán. Nếu biết rằng bạn có nguy cơ cao hoặc đã ở giai đoạn tiền đái tháo đường, nên thay đổi càng sớm càng tốt bởi bạn có đủ thời gian để ngăn chặn nó. Theo thống kê, 10-15% số bệnh nhân tiền đái tháo đường nếu không thay đổi lối sống, trong vòng 8-10 năm sẽ đối mặt với biến chứng đái tháo đường nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh, mất thị lực, suy thận, và thậm chí cụt chân, tay.
Bỏ tập thể dục. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết, phụ nữ đi bộ nhanh mỗi ngày 30 phút giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tới 30%. Cách tập luyện cũng đơn giản, đó là phải đấu tranh với bệnh ngồi, tự tạo điều kiện cho mình để được đi bộ như đi đi lại lại trong phòng làm việc, đi chợ…
Quên chất xơ. Rau quả có nhiều chất xơ là những “chiến binh” chống bệnh đái tháo đường do chúng giúp giảm cân, giúp kiểm soát lượng đường trong máu khi ăn, đồng thời còn chứa các chất dinh dưỡng khác như magiê và crôm điều hòa lượng đường huyết.
Tóm lại, chúng ta có thể đảo ngược được tình trạng kháng insulin mà phương pháp phòng ngừa và chữa trị hữu hiệu nhất vẫn là tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ. Tập thể dục sẽ giúp cơ bắp tiêu thụ glucose dễ dàng, tế bào sẽ nhạy cảm hơn với insulin trong khi ăn ít mỡ hơn, ít calo hơn, giúp bạn có cơ thể thon thả, khỏe mạnh hơn.
(Nguồn: anninhthudo.vn)