Chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường
Cập nhật: 19/1/2014 | 7:48:20 PM
Đái tháo đường là bệnh mãn tính, có yếu tố di truyền, ngăn cản cơ thể biến đổi thức ăn thành năng lượng. Đặc trưng của bệnh là đường huyết tăng cao, dẫn đến nhiều biến chứng.
Đo đường huyết giúp xác định lượng đường trong cơ thể để có hướng xử lý tiếp theo - Ảnh: Shutterstock |
Khi mức đường huyết tăng cao một thời gian dài sẽ có nguy cơ gây tổn thương các mạch máu, có thể dẫn đến các bệnh lý tuần hoàn, đau tim hay đột quỵ; gây biến chứng ở mắt - bao gồm tổn thương mạch máu trong mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể; gây ảnh hưởng lên thận; gây mất răng; tăng huyết áp; mất cảm giác ở các ngón chân hay bộ phận khác của cơ thể; chức năng tình dục bị ảnh hưởng... Khi đường huyết tăng, người bệnh có thể không thấy biểu hiện; hoặc có những triệu chứng như: khát, đi tiểu nhiều, mệt, nhìn mờ, buồn nôn, chóng mặt hoa mắt, các vết thương (hay nhiễm trùng da) không lành...
Mới đây, tại TP.Melbourne (Úc), Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam đã ký kết chương trình đào tạo cho hơn 1.500 bác sĩ Việt Nam. Chương trình này do Công ty Sanofi và Hội Đái tháo đường Mỹ hỗ trợ, đào tạo quốc tế chuyên sâu về bệnh đái tháo đường nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, giúp phát hiện, điều trị bệnh sớm, đúng, tránh các biến chứng nguy hiểm gây ra cho bệnh nhân. Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia “mới nổi” về bệnh đái tháo đường (thuộc bệnh mãn tính không lây, xảy ra nhiều ở các nước đang phát triển). Hiện ở Việt Nam có 5,5% dân số mắc bệnh này. Nhưng, việc phát hiện - chẩn đoán bệnh thường muộn, phần lớn người bệnh vào viện khi đã có biến chứng lên tim mạch, huyết áp, thận...
Sau khi phát hiện, người bệnh cần được bác sĩ theo dõi, điều trị để giữ mức đường huyết nằm trong giới hạn cho phép, giúp ngăn chặn (hoặc trì hoãn) các biến chứng. Theo các bác sĩ, trong quá trình điều trị, việc vận động, thể dục của bệnh nhân rất quan trọng. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn thời lượng tập thể dục và thường tập sau ăn 1 - 2 giờ.
Người bệnh không tự ý ngưng thuốc của bác sĩ đang điều trị; không tự ý dùng thuốc cảm cúm; cần ăn uống đúng bữa, dùng rau quả tươi hằng ngày; khi đi du lịch cần phải để thuốc và máy thử đường huyết trong túi xách tay. Nếu du lịch đến nơi có chênh lệch 2 giờ trở lên so với nơi mình sinh sống thì cần báo với bác sĩ để thay đổi lịch uống thuốc. Theo PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, việc đi bộ mỗi ngày chừng 30 phút sẽ giúp chúng ta phòng ngừa bệnh rất hiệu quả. Còn với người đã có bệnh, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng và vận động rất quan trọng.
(Nguồn: thanhnien.com.vn)