Vì sao người bị tiểu đường nên ăn ít calo?
Cập nhật: 21/12/2011 | 7:44:28 PM
Chế độ dinh dưỡng ít calo không chỉ cải thiện bệnh béo phì đối với những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 mà còn giúp bệnh nhân hạn chế việc sử dụng insulin.
Theo một nghiên cứu mới đây tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ, một chế độ hạn chế calo trong vòng bốn tháng cho phép những bệnh nhân tiểu đường, béo phì có thể chấm dứt việc sử dụng insulin. Tiêu thụ ít calo còn cải thiện đáng kể chức năng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Trên thực tế thì có đến 75% số bệnh nhân mắc tiểu đường có thể duy trì việc không sử dụng insulin cho hơn một năm, dù quay trở lại chế độ ăn thông thường của họ.
Trong một bài báo nghiên cứu của TS. Sebastiaan Hammer thuộc TT Y tế ĐH Leiden, Hà Lan cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng sau 16 tuần hạn chế calo đã cải thiện chức năng tim ở những bệnh nhân này”. Họ đã đo chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) của 15 bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 và béo phì, sau đó chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá chức năng tim và mỡ màng ngoài tim của mỗi người. (Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng có mối liên quan giữa mỡ màng ngoài tim và chức năng tim, đặc biệt ở những người có bệnh về trao đổi chất).
Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu bao gồm 7 người đàn ông và 8 phụ nữ, chế độ dinh dưỡng khoảng 500 calo/ngày và kéo dài trong khoảng 4 tháng. Khi bắt đầu chế độ ăn uống, mức độ đường trong máu của bệnh nhân cải thiện đáng kể.
TS Hammer lưu ý rằng những bệnh nhân có thể ngừng sử dụng insulin trong ngày đầu tiên của chế độ ăn kiêng do đã giảm tải được cacbon hydrate. Đối với những ngày đầu tiên, việc cắt giảm insulin có ảnh hưởng đến chế độ ăn nhưng sau đó nó có tác dụng giảm cân.
Sau 4 tháng, những bệnh nhân này được đo lại chỉ BMI và MRI. Kết quả cho thấy, trung bình lượng mỡ ở ngoài tim giảm từ 39ml đến 31ml và BMI giảm từ 35,3 xuống còn 27,5. (Mức độ béo phì là khi chỉ số cơ thể BMI từ 30 trở lên). Ngoài ra chức năng tim tâm trương cũng giảm về mức tiêu chuẩn hơn. Nếu chức năng tâm trương kém, trong đó có đo cả nhịp đập của tim khi tâm thất đang bơm máu có thể dẫn đến suy tim sung huyết.
Những lợi ích sức khoẻ về tim mạch được tiếp tục duy trì sau 14 tháng theo dõi. Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu này cũng đã quay lại chế độ ăn uống bình thường thì chỉ số BMI cũng chỉ tăng lên 31,7 và mỡ ở màng ngoài tim cũng chỉ tăng lên 32ml. Chỉ có 4 người trong số các bệnh nhân phải sử dụng insulin vào cuối giai đoạn nghiên cứu 18 tháng.
TS Hammer cũng cho biết thêm rằng mặc dù kết quả nghiên cứu chỉ ra một chế độ ăn uống cực kỳ hạn chế calo trong thời gian ngắn có thể mang lại lợi ích sức khoẻ tim mạch đối với bệnh nhân tiểu đường hơn so với thuốc nhưng những người béo phì không được khuyên nên cố gắng thay đổi chế độ ăn như vậy mà không có giám sát của bác sĩ. Ông cũng cảnh bảo rằng, chế độ ăn hạn chế calo không nên áp dụng cho những người mắc bệnh về thận, bệnh tim mạch hoặc các rối loạn khác.
(Nguồn: dantri.com.vn)