Mù lòa – biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Cập nhật: 21/12/2011 | 7:59:11 PM

Trong vòng 5 năm gần đây, bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước 30%.

Năm 2000, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất 171 triệu người trên toàn thế giới bị bệnh tiểu đường (chiếm 2,8% dân số). Tỷ lệ đó đang gia tăng nhanh, ước tính vào năm 2030, con số này gần như sẽ tăng gấp đôi (366 triệu người).

Tiểu đường, đặc biệt là type 2, xảy ra trên toàn thế giới, nhưng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Sự gia tăng này tăng theo xu hướng đô thị hóa, sự thay đổi lối sống và chế độ ăn uống "kiểu phương Tây".

Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ tiểu đường lớn nhất thế giới nhưng bệnh tiểu đường ở Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới. Bệnh gia tăng cả về tỷ lệ, biến chứng và đối tượng mắc bệnh. Điều tra toàn quốc năm 2002, tỷ lệ bệnh lứa tuổi 30-64 của Việt Nam là 2,7%, riêng khu vực thành thị và khu công nghiệp tỷ lệ bệnh tiểu đường là 4,4%.

Ảnh minh họa

Mù lòa - biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Thông tin mới nhất cho biết trong vòng 5 năm gần đây, bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước 30%. Nước ta hiện có khoảng 4,5 triệu người bệnh tiểu đường, nhưng 65% trong số này không biết mình bị mắc bệnh. Chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, hoại tử chi.

Theo BS Trương Thanh Trúc, khoa Mắt, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định: Bệnh nhân tiểu đường thường mắc nhiều biến chứng mắt, chẳng hạn như bất thường về giác mạc, bệnh tăng nhãn áp, tân mạch mống mắt, đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, bệnh lý võng mạc tiểu đường là phổ biến nhất và có khả năng gây mù cao nhất. Nó là một biểu hiện ở mắt của bệnh hệ thống ảnh hưởng lên đến 80% bệnh nhân bệnh tiểu đường từ 10 năm trở lên.

Bệnh võng mạc theo thời gian sẽ dần dần phát triển ở bệnh nhân tiểu đường type 1. Trong 5 năm đầu tiên thường không bị nhưng sau đó càng ngày càng nhiều người bị. Sau 25 năm mắc bệnh tiểu đường type 1, khoảng 98% người có ít nhất là bệnh lý võng mạc giai đoạn đầu. Lúc này, gần 50% bệnh nhân  sẽ có bệnh võng mạc tăng sinh và 15% sẽ có phù hoàng điểm sẽ gây mù lòa.

Tại thời điểm chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2, khoảng 1/3 người đã có bệnh võng mạc tiểu đường ở một mức độ nào đó. Hơn nữa, khoảng 4% người có bệnh lý võng mạc tăng sinh tại thời điểm chẩn đoán. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát bệnh lý võng mạc ở tất cả các bệnh nhân bệnh tiểu đường type 2 tại thời điểm chẩn đoán. Sau 25 năm, 20% bệnh nhân sẽ có bệnh võng mạc tăng sinh và 20% có phù hoàng điểm sẽ gây mù lòa.

Bệnh võng mạc do tiểu đường thường không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn cho đến khi nó đã tiến triển nặng. Vì vậy bệnh nhân thường chủ quan trong giai đoạn đầu của bệnh. Phương pháp laser điều trị có thể bảo vệ được thị lực, nhưng nó chỉ có hiệu quả khi được sử dụng sớm. Vì thế kiểm tra võng mạc thường xuyên là cần thiết để phát hiện khi nào cần điều trị bằng laser, phòng tránh mù lòa do tiểu đường.


(Nguồn: bacsi.com)

In bản tin