Những thực phẩm dành cho người cao huyết áp
Cập nhật: 10/3/2016 | 7:35:07 AM
Tăng huyết áp hay huyết áp cao là một vấn đề phổ biến hiện nay. Tuy có nhiều yếu tố lối sống có thể thay đổi cũng như nhiều loại thuốc để kiểm soát huyết áp, song một số thực phẩm, thảo dược dưới đây có thể giúp kiểm soát huyết áp ở một mức độ nhất định:
1. Tỏi
Tỏi đã được thấy là rất hữu ích ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp nhẹ. Người ta tin rằng chất allicin trong tỏi làm tăng sản sinh oxit nitric, nhờ đó giúp thư giãn các cơ của động mạch, làm giảm cả huyết áp tâm trương cũng như huyết áp tâm thu.
Để nhận được toàn bộ lợi ích của tỏi, người ta khuyên nên bóc vỏ và đập dập tỏi tươi rồi ăn sống. Tuy nhiên, tỏi cũng có đặc tính làm loãng máu và điều này có nghĩa là khả năng đông máu bị giảm đi; do đó, tốt nhất là chỉ sử dụng chế phẩm bổ sung từ tỏi sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.
2. Húng chanh
Húng chanh, (Coleus forskohlii) là loại rau gia vị được trồng khá phổ biến. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy húng chanh có tác dụng làm giãn các cơ trơn của động mạch và giúp giảm huyết áp.
Húng chanh cũng được cho là làm cho tim đập khỏe hơn và mạch chậm hơn.
Một số nghiên cứu đã đánh giá tác dụng của húng chanh dạng viên nén và viên nhai và thấy rằng nó giúp làm giảm huyết áp ở người già.
3. Chùm ngây
Những quả non của cây chùm ngây (Moringa oleifera), được gọi là Sahjan theo tiếng Ấn Độ, nổi tiếng vì hàm lượng cao protein và các vitamin và khoáng chất quý giá. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá chùm ngây có tác dụng giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Cách tốt nhất để khai thác lợi ích này là nấu quả chùm ngây non (drumstick) với đậu lăng.
4. Lý gai
Trong y học cổ truyền lý gai (amla) đã được sử dụng để giảm huyết áp. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng nước chiết từ lá cây lý gai giúp giảm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu; Chiết xuất lý gai cũng cho thấy khả năng làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và gan và điều này có thể góp phần vào tác dụng chống cao huyết áp của nó. Người ta tin rằng hàm lượng vitamin C của quả lý gai cũng có thể đóng một vai trò trong việc mở rộng các mạch máu và điều này có thể giúp giảm huyết áp. Quả lý gai là một thành phần quan trọng của hỗn hợp Triphala hiện đang được bán sẵn.
5. Củ cải trắng
Củ cải trắng là một loại rau rất quen thuộc và đã được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng này có thể là kết quả của hàm lượng cao chất kali, giúp chống lại tác động tăng huyết áp của chế độ ăn mặn nhiều muối natri. Củ cải có thể được chế biến thành món xào hoặc, tốt hơn, nên ăn sống trong món gỏi củ cải hoặc trộn với sữa chua.
6. Vừng
Trong các thí nghiệm, hạt vừng (mè) đã thể hiện khả năng làm giảm cả huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Dầu vừng chứa sesamin và sesaminol và những chất này được cho là đóng vai trò chính trong việc giảm stress oxy hóa trong cơ thể; dầu vừng có tác dụng chống viêm trên thành động mạch, góp phần hướng tới giảm huyết áp.
Các nghiên cứu gần đây đã thấy rằng việc kết hợp dầu vừng với dầu cám gạo giúp giảm huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp hiệu quả hơn dùng thuốc hạ huyết áp đơn thuần.
7. Ba gạc
Các thầy thuốc y học cổ truyền đã sử dụng Ba gạc trong điều trị chứng mất ngủ, rắn cắn, phát cuồng và huyết áp cao.
Các alkaloid reserpin chiết xuất từ Ba gạc là một trong những loại thuốc mạnh đầu tiên điều trị cao huyết áp. Nó giúp giãn mạch máu và làm giảm nhịp tim; cả hai tác dụng đều đảm bảo huyết áp duy trì ở mức thấp.
Mặc dù trên thị trường hiện có cả loại bột rễ và viên nén, nhưng điều quan trọng là phải uống dưới sự giám sát của thầy thuốc vì bác sĩ vì thuốc có tác dụng mạnh.
8. Hạt lanh (hạt đay)
Hạt lanh rất giàu một chất gọi là axit alpha linolenic, một trong những axit béo omega -3 quan trọng. Một số nghiên cứu đã thấy rằng những người bị tăng huyết áp ăn hạt lanh có lượng cholesterol thấp hơn và cũng biểu hiện giảm huyết áp.
(Nguồn: dantri.com.vn)