Báo động: Hơn 17 triệu người bệnh chưa kiểm soát được huyết áp
Cập nhật: 17/5/2016 | 10:58:20 AM
Mặc dù tỉ lệ người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp tăng nhanh trong thời gian qua, cùng với đó tỉ lệ người bệnh kiểm soát được huyết áp đầy đủ cũng lên tới hơn 17 triệu người. Điều này sẽ kéo theo nguy cơ biến chứng tim mạch, tử vong do đột quỵ gia tăng nếu không có biện pháp kiểm soát.
Ảnh minh hoạ
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình sinh hoạt Y khoa Pháp Việt và giới thiệu dự án phi lợi nhuận “Tăng huyết áp – Sống khoẻ ngay từ ngày đầu tiên” nhân ngày Phòng chống Tăng huyết áp thế giới (17/5) tổ chức tại Đại sứ Quán Pháp (Hà Nội), GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết, con số 47,3% thực sự rất đáng báo động và bản thân ông cùng các nhà khoa học Việt Nam đã phải xem xét rất kỹ các dữ liệu điều tra ngay khi nhận được con số vô cùng lớn này và tất cả các dữ liệu đều chính xác.
Cụ thể, theo kết quả ban đầu của điều tra dịch tễ học mới nhất năm 2015 tại tại 8 tỉnh thành phố (gồm Thái Bình, Thái Nguyên, Đồng Tháp, Đắc Lắk, Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Nội, TPHCM), tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 47,3% (tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân), cao gần gấp đôi so với kết quả điều tra dịch tễ học cũng tại 8 tỉnh này vào năm 2008 (khi đó là 25,1%) và gấp 3 so với thời điểm điều tra năm 2000 (16%). Theo đó, hiện nay, cứ 2 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Tuy nhiên, đáng nói là trong số này chỉ có 17,7% (tương đương với 3,7 triệu người) kiểm soát được huyết áp của mình (duy trì được huyết áp ở mức <140/90mmHg). Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 17,1 triệu bệnh nhân còn lại (chiếm hơn 82%) chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ. Trong đó, tỉ lệ người không biết mình có bệnh và tỉ lệ người điều trị nhưng không đầy đủ là tương đương nhau, cùng là khoảng 8,1 triệu người và chỉ có 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị.
Như vậy, sẽ có hơn 17 triệu người bệnh đối mặt với những nguy cơ biến chứng tim mạch, nguy cơ tử vong do đột quỵ.
Những con số này cũng được công bố tại Hội nghị Tăng huyết áp lần 2 vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 14-15/5.
Giảm muối, tuân thủ điều trị ngay từ ngày đầu tiên
Theo Giáo sư Jacques Blacher-, Cựu chủ tịch Uỷ ban phòng chống Tăng huyết áp Pháp, tỷ lệ mắc tăng huyết áp cao ở người trẻ gia tăng là do thói quen ăn mặn, ít vận động, thừa cân béo phì và căng thẳng.
Do đó, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến nghị: quan trọng nhất là phải giảm ăn mặn (dưới 5g/ngày) bởi thực tế tại Canada cho thấy giảm 1g muối mỗi ngày sẽ giúp giảm 1 triệu người tử vong mỗi năm. Còn tại Pháp, các khuyến nghị giảm muối trong chế độ ăn đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng do tăng huyết áp.
Ngoài ra, mỗi người cần chú ý chế độ dinh dưỡng giàu rau quả, hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá; hoạt động thể lực đều đặn 30-60 phút mỗi ngày; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress…
Còn với bệnh nhân tăng huyết áp, theo GS Việt, tại Việt Nam có 2 trạng thái chính khi biết mắc bệnh tăng huyết áp: lo lắng quá mức và thờ ơ. Cả 2 trạng thái này đều không tốt và đều làm ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị.
Theo kinh nghiệm của GS Atul Pathak, Trưởng khoa Dược lâm sàng tim mạch, Bệnh viện Univ và khoa Y của ĐH Toulouse (Pháp), thói quen theo dõi huyết áp, cách bác sĩ tiếp xúc và động viên người bệnh sẽ tạo ra sự thay đổi lối sống về lâu dài của người bệnh, giúp việc điều trị đạt hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng không nên lo lắng hay thờ ơ đối với chứng bệnh tăng huyết áp.
“Tăng huyết áp sẽ được kiểm soát tốt hơn rất nhiều khi người bệnh có nhận thức tốt về bệnh và qua đó có thay đổi lối sống, tăng tuân thủ điều trị, đặc biệt khi được thực hiện ngay từ ngày đầu tiên”, GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh.
(Nguồn: dantri.com.vn)