Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Cập nhật: 13/7/2016 | 8:15:35 PM

Huyết áp thấp khi số đo huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) bằng hoặc dưới 90mmHg và huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) bằng hay dưới 60mmHg.

Huyết áp thấp có thể gây chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu. Trong những trường hợp nặng, huyết áp thấp có thể làm giảm lưu thông máu tới não dẫn tới sốc và đau tim. Có một số tình trạng gây ra huyết áp thấp:

Khi bạn bị bệnh tim do nhịp tim chậm hoặc có vấn đề ở van tim, bạn có thể bị huyết áp thấp. Những tình trạng này ngăn không cho máu lưu thông đủ dẫn tới huyết áp thấp. Phụ nữ mang thai có thể bị huyết ấp thấp vì trong thời kỳ mang thai hệ tuần hoàn của phụ nữ mở rộng hơn dẫn tới huyết áp thấp.

Mất nước trầm trọng có thể dẫn tới huyết áp thấp. Bạn có thể bị huyết áp thấp nếu bạn bị rối loạn tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp, đường huyết thấp hoặc đường huyết cao, bệnh Parkinson và suy thượng thận.

Khi bị mất máu nghiêm trọng cũng có thể dẫn tới huyết áp thấp. Giảm huyết áp gây ra bởi giảm lượng máu có trong cơ thể. Một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể làm giảm huyết áp. Một số phản ứng dị ứng nặng do nọc độc côn trùng, một số loại thực phẩm và thuốc có thể dẫn tới huyết áp thấp.

Thiếu vitamin B12 và folat trong cơ thể có thể dẫn tới sản sinh không đủ tế bào hồng cầu. Điều này dẫn tới thiếu máu và huyết áp thấp. Hãy cẩn thận khi bạn dùng thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu. Chúng cũng có thể gây huyết áp thấp.

Bạn cần rất thận trọng khi bị huyết áp thấp và cần được điều trị càng sớm càng tốt vì huyết áp thấp đôi khi có thể gây tử vong. Nó có thể ngăn cản bạn thực hiện những hoạt động bình thường hàng ngày và thậm chí gây hại cho não và tim.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin