“Thủ phạm” gây bệnh cao huyết áp
Cập nhật: 29/7/2012 | 8:54:03 PM
Cao huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm và đang ngày càng có xu hướng tăng lên một cách rõ rệt. Cao huyết áp cao là “Kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn phế do các biến chứng về tim, não, mạch máu hiện nay.
Huyết áp và những biến chứng
Huyết áp được gọi là cao khi huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg và huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg.
Giai đoạn đầu huyết áp từ 140-159/90-99 mmHg lâm sàng chưa có biểu hiện rõ rệt chỉ có chỉ số huyết áp tăng.
Giai đoạn 2 huyết áp trong khoảng 160-175/100-109mmHg, giai đoạn này có xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng ở phủ tạng nhưng mức độ nhẹ như tổn thương đáy mắt độ 1-2 mạch tim đập nhanh, tức ngực, trên điện tâm đồ và XQ biểu hiện dầy thất trái ở não thì thấy nhức đầu, giảm trí nhớ.
Giai đoạn 3 là giai đoạn nguy kịch huyết áp trong khoảng trên 180/120 mmHg có tổn thương nặng nề ở mắt, suy tim tai biến mạch máu não, tiểu tiện đi đêm nhiều, phù mặt, phù chân, ure máu tăng, tổn thương thận …
Cao huyết áp gồm 2 loại: cao huyết áp nguyên phát và cao huyết áp thứ phát.
Cao huyết áp nguyên phát: Là một loại bệnh riêng biệt với biểu hiện chính là huyết áp tăng cao, không rõ nguyên nhân, chiếm khoảng 80%-90% các trường hợp cao huyết áp. Phần nhiều có liên quan yếu tố di truyền.
Cao huyết áp thứ phát: Đi kèm với một bệnh nào đó, được xem là một trong những triệu chứng xuất hiện cao huyết áp, chiếm 10%-20% các trường hợp cao huyết áp. Chẳng hạn như bệnh tiểu đường; viêm vi cầu thận; hội chứng bệnh thận; suy chức năng thận; chứng thống phong (gout)…
Cao huyết áp là một bệnh thường gặp và nhiều biến chứng, cũng như được xem là nhân tố nguy cơ của bệnh mạch máu tim-não. Trong bệnh mạch vành, người có cao huyết áp trên 75%. Các biến chứng chủ yếu gồm:
Bệnh về tim: Bệnh tim do cao huyết áp, dầy tâm thất trái, suy tim, người nghiêm trọng bị suy tâm thất trái.
Bệnh về thận: Do động mạch thận xơ hóa làm suy dần chức năng thận. Một số trường hợp còn phát triển thành suy chức năng thận (chứng ngộ độc nước tiểu).
Bệnh về não: Do co thắt hay xơ cứng mạch máu não, dẫn đến tổ chức não thiếu máu do thiếu oxy, người bị nhẹ cảm thấy choáng váng đau đầu; hoa mắt ù tai; tay chân thân mình tê dại, người bị nặng thì gây ra tai biến mạch máu não, hình thành xuất huyết não; nhũn não là thường gặp nhất.
Bệnh về mắt: Động mạch đáy mắt xơ hóa, đôi lúc có xuất huyết và phù gai thị.
Thủ phạm gây cao huyết áp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, cứ trong 3 người lớn có 1 người bị cao huyết áp. Vậy những yếu tố nào gây nên chứng cao huyết áp và làm thế nào để ngăn chặn nó?
- Yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng khi phát sinh bệnh, đặc biệt là di truyền từ những người ruột thịt (cha, mẹ, ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột). Nguy cơ phát bệnh tăng hơn nếu bệnh sử có ở hai người thân trở lên. Nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ này thì hãy thường xuyên đo huyết áp, trường hợp huyết áp cao có tính hệ thống thì nên đi khám.
- Phần lớn các bệnh nhân cao huyết áp là nam giới: Hormone giới tính nam kích thích sự gia tăng huyết áp. Khác với phụ nữ, nam giới có khối lượng cơ thể (kể cả cơ bắp) lớn, có nghĩa là lượng mạch máu lưu thông lớn cũng là điều kiện để mức huyết áp tăng. Gần đây thì tỷ lệ bệnh huyết áp cao giữa nam và nữ đã cân bằng. Sau khi mãn kinh thì việc bảo vệ tự nhiên về hormone của hệ thống tim-mạch ở phụ nữ đã bị giảm. Khi gần 40 tuổi, kể cả nam và nữ nên chú ý hơn đến tình trạng sức khỏe. Khi cần nên đến kiểm tra tại chuyên khoa nội tiết và dùng liệu pháp hormone.
- Stress: Khi bị stress khiến tim đập nhiều hơn, bơm lượng máu nhiều hơn. Nếu stress tiếp diễn trong thời gian dài thì sự căng thẳng kinh niên này làm cho các mạch máu bị hỏng và chứng cao huyết áp trở thành mãn tính. Học cách kiểm soát cảm xúc của mình, thay đổi thái độ đối với mọi vấn đề. Đối với bất cứ sự kiện nào cho dù thoạt nhìn là nghiêm trọng nhất vẫn có thể xét đoán cả mặt tiêu cực cũng như tích cực. Không làm việc quá sức. Qua nghiên cứu cho thấy, những ai làm việc quá 41 giờ/tuần sẽ tăng thêm 15% nguy cơ bị cao huyết áp.
- Uống rượu mạnh hàng ngày sẽ làm huyết áp tăng thêm 5-6mmHg/năm. Các thành phần của khói thuốc lá khi vào máu sẽ gây co thắt mạch máu. Ngoài ra, hút thuốc lá sẽ làm tăng tình trạng thiếu oxy của mô não và đại não. Nên bỏ dần thói nghiện rượu và thuốc lá. Với người bị huyết áp cao chỉ được phép uống tối đa 60ml rượu mạnh/tuần và 200g rượu vang. Đối với cà phê và trà đặc cũng nên hạn chế dùng 1 tách/ngày. Với phổi thì ngay cả một lượng nhỏ nicotin và cũng gây hại.
- Thừa cân là một yếu tố khá quan trọng. Những người có trọng lượng cơ thể lớn sẽ bị rối loạn chuyển hóa chất béo, mạch máu mất tính đàn hồi, làm cho chúng bị mòn và bị ảnh hưởng bởi chứng xơ vữa động mạch. Nên biết là khi bị thừa cân thì nguy cơ phát sinh cao huyết áp tăng lên 6 lần và cứ mỗi 500g cân thừa làm huyết áp tăng lên 1 đơn vị. Theo dõi cân nặng, năng vận động thể chất và có chế độ dinh dưỡng ít ca lo là cách tối ưu...
- Ăn mặn gây tình trạng thừa muối gây giữ nước trong cơ thể, dẫn đến chứng phù nề các cơ quan và các mô dẫn đến bệnh tim mạch. Giảm lượng muối trong thức ăn, hạn chế 6g (bằng 1 thìa cà phê) muối/ngày. Lưu ý rằng trong nhiều thực phẩm (pho mát, thịt nướng, giò chả, đồ hộp, mionez) đã chứa nhiều muối.
Biểu hiện của bệnh cao huyết áp
- Đau đầu, có cảm giác đầu bị thít chặt, cứng ở gáy; chóng mặt;
- Tim đập yếu hoặc đập nhanh; đau ở vùng tim cả lúc bình thường hoặc trong tâm trạng căng thẳng.
- Thấy khó thở lúc đầu nhất là khi gắng sức, sau đó kể cả lúc bình thường.
- Bị phù chân và sưng húp mặt vào buổi sáng.
- Suy giảm trí nhớ; mờ mắt, hiện tượng có ruồi bay trước mắt.
Nếu bạn bị ít nhất 2 triệu chứng nói trên thì nên đề phòng, cần đo huyết áp thường xuyên và đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)