Phình tách thành động mạch chủ: Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp
Cập nhật: 11/11/2012 | 8:03:37 PM
Thành động mạch chủ (ĐMC) có 3 lớp (lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài). Phình tách thành ĐMC là tình trạng cần điều trị cấp cứu. Nếu vết rách toàn bộ thành ĐMC sẽ dẫn đến chảy máu ồ ạt và bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Tách thành ĐMC hay còn gọi là lóc tách ĐMC là một thảm cảnh thực sự. Khoảng 50% bệnh nhân lóc tách týp A tử vong trong 48 giờ đầu, số còn lại cũng hầu như không có cơ hội sống sót nếu không được phẫu thuật. Khởi đầu từ chỗ rách ở nội mạc gọi là điểm vào dòng máu chảy tách lớp áo giữa tạo nên “lòng giả”. Lòng giả phát triển dọc theo đường đi của ĐMC làm hẹp, tắc hoặc đứt các nhánh của ĐMC. Các nhánh khi bị đứt sẽ tạo điểm vào thứ phát, dòng máu sẽ chảy trong lòng giả từ điểm nguyên phát đến thứ phát, ngăn cản hình thành huyết khối trong lòng giả.
Những yếu tố thuận lợi để bệnh xuất hiện là tăng huyết áp (THA), bệnh lý ĐMC, tuổi cao…
Ba dạng phình tách thành động mạch chủ thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp. |
Biểu hiện của bệnh
Đau như xé ngực có tính chất di chuyển, có thể đau lan ra sau lưng xuất hiện đột ngột, tính chất đau rất dễ nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân có thể mất hoặc yếu mạch ở tay hoặc chân. Ngoài ra, còn các triệu chứng lâm sàng khác mà các bác sĩ khám có thể phát hiện.
Các thăm dò cận lâm sàng có thể nghi ngờ hoặc “nhìn” thấy vị trí rách và lòng giả của mạch máu lóc tách như: siêu âm tim, siêu âm tim qua thực quản, chụp CT scanner, chụp cộng hưởng từ.
Nhìn chung, với những triệu chứng cấp tính và dữ dội như vậy, hầu như bệnh nhân luôn tìm đến thầy thuốc, vấn đề phát hiện sớm thuộc về các thầy thuốc tuyến cơ sở.
Điều trị thế nào?
Nếu là tách thành ĐMC týp A thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật thay đoạn ĐMC lên hoặc quai ĐMC. Đây là một phẫu thuật lớn phải sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ nhiệt độ cơ thể xuống từ 25° - 18° để bảo vệ não, tủy, thận và các cơ quan khác trong cơ thể. Phẫu thuật này có tỷ lệ tử vong từ 4 - 20% tùy vào bệnh nhân đến sớm hay muộn và trình độ của đơn vị phẫu thuật. Với bệnh nhân týp B, phương pháp điều trị chủ yếu là khống chế huyết áp ở mức tối đa, không nên vượt quá 120mmHg. Với týp B, chỉ phẫu thuật khi có các biến chứng như: vỡ và dọa vỡ ĐMC, thiếu máu tạng. Bệnh nhân sau khi ổn định ra viện sẽ được theo dõi định kỳ khoảng 1 - 3 tháng/lần, chụp lại phim cắt lớp vi tính từ 3 - 6 tháng/lần. Điều trị chủ yếu vẫn là khống chế huyết áp ở mức tối đa, không vượt quá 120mmHg. Nếu bệnh nhân xuất hiện phình động mạch sẽ phải phẫu thuật thay đoạn ĐMC. Sau 5 năm, tỷ lệ còn sống với týp A sau mổ khoảng 80% và týp B sau mổ khoảng 50%.
Tóm lại, giáo dục bệnh nhân có vai trò quan trọng trong phòng chống phình tách ĐMC và các biến chứng khác của THA. Thay đổi chế độ ăn uống và không hút thuốc lá là rất quan trọng. Bệnh nhân cần phải có chế độ ăn hạn chế muối, giảm các căng thẳng tinh thần và thể chất. Bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị kiểm soát THA chặt chẽ liên tục và lâu dài.
(Nguồn: Sức khỏe& Đời sống)