Phòng ngừa đột quỵ do tăng huyết áp

Cập nhật: 29/11/2012 | 3:48:23 PM

Đột quỵ - nguyên nhân gây tử vong thứ ba sau tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về nguyên nhân gây tàn phế - đang ngày càng có xu hướng gia tăng, trong đó có tới một nửa số bệnh nhân bị đột quỵ là do tăng huyết áp trực tiếp gây ra. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.

Đột quỵ - Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp

Các biến chứng não ở bệnh nhân tăng huyết áp rất đa dạng: từ đột quỵ (do tắc mạch não hoặc xuất huyết não), đến xơ vữa mạch não, thiểu năng trí tuệ, trong đó, đột quỵ là biến chứng nguy hiểm nhất gây tử vong và tàn phế cho người bệnh. 

Phòng ngừa đột quỵ  do tăng huyết áp 1
Tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày để kiểm soát nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Ảnh: MH

Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch, làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng cao (gặp trong những cơn tăng huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra, gây xuất huyết não.

Khi thiếu máu nên não, các tế bào não sẽ ngừng hoạt động và sẽ chết đi sau vài phút. Những tổn thương này dẫn đến các vùng cơ thể do phần não điều khiển sẽ bị tổn thương như yếu, liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hòa nhập với cuộc sống bình thường.

Phòng ngừa thế nào?

Ở người bệnh tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 3 - 4 lần so với người bình thường. Cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây tai biến này. Tăng huyết áp là nguyên nhân quan trọng nhất gây đột quỵ và cũng là nguyên nhân có thể điều chỉnh được. Duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ

Theo khuyến cáo, nếu giảm huyết áp được 5mmHg sẽ giảm 10% nguy cơ đột quỵ. Do đó, để phòng ngừa đột quỵ, trước hết cần phải kiểm soát và điều trị tốt tăng huyết áp.

Theo dõi huyết áp đều đặn: Người khỏe mạnh bình thường cần theo dõi huyết áp đều đặn vì có nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp vì bệnh thường không có triệu chứng. Nếu được chẩn đoán là tăng huyết áp cần kiểm soát trị số huyết áp và khống chế huyết áp để đạt được huyết áp mục tiêu. Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức 140/90mmHg là tăng huyết áp... Dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, không được ngừng thuốc khi thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trở về trong giới hạn bình thường. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp với các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Những người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao đột quỵ là những người trên 55 tuổi có kèm theo các bệnh phối hợp như đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động và bị stress.

Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần luôn chú ý kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ như: Không hút thuốc lá, thuốc lào; Giảm cân nặng nếu béo phì; Hạn chế ăn muối, mỡ; Vận động cơ thể đều đặn và cần tập thể dục 30 phút mỗi ngày; Tránh căng thẳng; Điều trị tốt bệnh đái tháo đường, cần duy trì đường huyết ở mức độ trung bình, vì đái tháo đường làm tăng nguy cơ tai biến từ 2 - 4 lần cũng như tăng tỷ lệ tử vong; Những người tăng huyết áp cần được kiểm tra lipid máu định kỳ, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, triglycerid và HDL-C sau khi nhịn đói 10-12 giờ. Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu khoảng 6 tháng/lần...  

Bác sĩ Trọng nghĩa


Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột với rất ít dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên có một số dấu hiệu cảnh báo xuất hiện cơn đột quỵ như:

- Đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân

- Đột ngột bị lẫn lộn, gặp khó khăn trong việc nói và hiểu người khác.

- Bị yếu đột ngột ở một phần cơ thể: cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể.  

- Có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt: nhìn mờ hoặc nhìn nhòe.

- Bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể.

Nếu thấy một trong các dấu hiệu sau đây người bệnh cần được đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời, vì thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng (đặc biệt trong khoảng 3 giờ đầu tiên) - đây được gọi là thời gian vàng quyết định đến sự sống còn của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Để càng lâu thì phần não bị tổn thương càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin