Phương pháp giảm cân cho người huyết áp thấp
Cập nhật: 12/12/2012 | 8:09:53 PM
Những người béo phì, thừa cân muốn giảm cân nhưng bị huyết áp thấp thường rất lo lắng, không biết phải làm sao đề giảm cân mà không bị ảnh hưởng sức khoẻ.
Cần phải giám sát
Người bị huyết áp thấp phải ăn nhiều, không được bỏ bữa... Đây cũng là những cản trở khiến nhiều người từ bỏ ý định giảm cân. Theo BSCK I Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, người mắc bệnh này vẫn có thể giảm cân. Nếu huyết áp thấp nhưng không có triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, thở dốc, cơ thể suy nhược thì không cần có chế độ ăn đặc biệt để ổn định huyết áp và có thể ăn kiêng đề giảm cân. Nhưng phải được thiết kế khoa học với sự giám sát của bác sĩ về dinh dưỡng.
Đối với người huyết áp thấp đi kèm với các biểu hiện lâm sàng, BSCK I Nguyễn Thị Ngọc Hương khuyến cáo, nên lưu ý các vấn đề như không sử dụng khẩu phần ăn giúp giảm cân nhanh vì dễ làm huyết áp tụt bất ngờ. Trong khẩu phần ăn kiêng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm là bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên chọn thực phẩm ít năng lượng cho bữa phụ xen kẽ với thực phẩm thường bữa ăn chính vẫn giúp giảm cân và tránh được tình trạng huyết áp thấp sau bữa ăn.
Những lưu ý
BSCK I Nguyễn Thị Ngọc Hương cho biết thêm, người huyết áp thấp muốn giảm cân phải tuân thủ một số nguyên tắc như lượng muối ăn nên tăng hơn người bình thường nhưng được tính toán cụ thể để vừa nâng chỉ số huyết áp vừa không bị thừa natri dễ dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người cao tuổi. Ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, rau, ưu tiên sử dụng thịt nạc gà, cá vì rất có lợi cho người huyết áp thấp. Cà phê và trà dùng trong bữa ăn cũng giúp cải thiện tình trạng huyết áp thấp, nhưng không nên uống quá nhiều.
Những người bị huyết áp thấp do bệnh Parkinson, cao huyết áp, đái tháo đường cần chú ý nằm nghỉ sau bữa ăn, hạn chế sử dụng các thực phẩm giầu chất bột như khoai tây, bánh mỳ, mỳ sợi, mỳ ống. Để giảm cân hiệu quả, người bị huyết áp thấp có thể áp dụng các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh. Chế độ tập sẽ không khác người bình thường nếu người bệnh không có triệu chứng lâm sàng.
Đối với người có triệu chứng choáng váng, nhức đầu ngất, kém tập trung, nôn, da xanh, tay chân lạnh, thở nhanh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể thì nên chọn các môn tập nhẹ nhàng. Thời gian tập ngắn (có thể chia làm nhiều đợt trong ngày, lúc đầu tập khoảng 10 phút sau đó tăng lên 15 - 20 phút/lần), tránh những môn có sự thay đổi tư thế đột ngột.
(Nguồn: nhipcausuckhoe.vn)