Những con số cứu mạng
Cập nhật: 24/6/2013 | 6:01:40 PM
Sắc diện khỏe mạnh chưa thể đảm bảo rằng chúng ta đang mạnh khỏe. Rất nhiều căn bệnh đang “án binh bất động” trong cơ thể chúng ta hàng năm trời rồi bỗng một ngày nào đó chúng ngang nhiên hiện hình. Bạn cần phải biết những xét nghiệm và những con số dưới đây có thể giúp bạn sống thọ hơn, thậm chí ngăn được những trường hợp đột tử.
Huyết áp
Chỉ số huyết áp tâm thu (trên) và huyết áp tâm trương (dưới) là những con số vô cùng quan trọng mà bạn cần phải nhớ nhằm ngăn ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận và giảm thị lực. Theo thống kê, có khoảng 1/3 số bệnh nhân cao huyết áp không quan tâm đến căn bệnh này vì cao huyết áp có thể không có triệu chứng ở một số người. Tuy nhiên, một khi huyết áp quá cao, sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau: nhức đầu nghiêm trọng, mệt mỏi, lú lẫn, rối loạn thị giác, đau ngực, khó thở, nhịp tim bất thường, máu trong nước tiểu...
Kiểm soát tốt huyết áp giúp bạn ngăn ngừa các bệnh tim mạch, suy thận... |
Đối với cao huyết áp nghiêm trọng thì có 2 mức. Mức 1: huyết áp tâm thu là 140 - 159mmHg và huyết áp tâm trương là 90 - 99mmHg. Mức 2: huyết áp tâm thu lớn hơn 160mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 100mmHg.
Một con số khác cần phải quan tâm là sự khác biệt của áp suất tâm thu khi đo huyết áp ở 2 cánh tay. Những nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu ở châu Âu cho thấy nếu giá trị huyết áp tâm thu ở 2 cánh tay khác nhau từ 10 - 15mmHg hay hơn thì bạn sẽ có rủi ro mắc các bệnh về tim mạch dù rằng những số đo này có giá trị bình thường.
Vòng bụng
Số đo vòng bụng cho biết khối lượng mỡ bao quanh bụng cũng như mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có quá nhiều mỡ bụng sẽ có tần suất rủi ro cao các bệnh như đái tháo đường týp 2, cao huyết áp, cao cholesterol và các bệnh về tim mạch.
Để đo vòng bụng, đơn giản bạn chỉ cần dùng thước dây đo ở vị trí rốn. Theo đánh giá của Viện Tim, Phổi và Huyết học Quốc gia (Hoa Kỳ) thì sức khỏe của bạn có vấn đề nếu vòng bụng của bạn có số đo như sau: đối với nam: vòng bụng lớn hơn 94cm; đối với nữ số đo vòng bụng lớn hơn 80cm. Vì vậy, cần phải luyện tập hoặc có chế độ ăn uống thích hợp nhằm làm giảm vòng bụng.
Đường huyết
Để đo đường huyết, các thầy thuốc sẽ làm xét nghiệm gọi là xét nghiệm glucose huyết. Glucose trong cơ thể có từ thực phẩm chứa carbohydrate và glucose là một chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu quá nhiều glucose sẽ gây hại cho cơ thể. Glucose được kiểm soát bởi insulin vốn được sản xuất từ tụy tạng. Insulin cho phép đường huyết đi vào tế bào để biến thành năng lượng. Nếu tuyến tụy không tiết đủ insulin để điều hành lượng đường có trong máu. Lúc này bạn sẽ bị đường huyết cao (hyperglycaemic). Triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: khát, mệt mỏi, giảm cân, đi tiểu nhiều, rối loạn thị giác...
Nồng độ đường huyết sẽ lên xuống trong ngày. Đối với những người không bị bệnh đái tháo đường thì nồng độ đường huyết thường là 70 - 80mg/dl. Đôi khi cũng có thể xuống khoảng 60mg/dl hoặc tăng lên khoảng 90mg/dl vẫn được xem là bình thường.
Cách tốt nhất để đo lượng đường trong máu là làm một xét nghiệm sau khi nhịn đói 8 tiếng. Sau đó ăn một bữa ăn rồi chờ 2 tiếng sau đo lại đường huyết
Ở xét nghiệm thứ nhất sau khi nhịn ăn 8 giờ nếu hàm lượng đường huyết lớn hơn 126mg/dl thì được xem là mắc bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm thứ 2 là sau khi ăn một bữa ăn và chờ 2 tiếng rồi đo đường huyết, nếu lượng đường huyết sau xét nghiệm này cao hơn 200mg/dl thì được xem bị bệnh đái tháo đường. Đối với những người có nồng độ đường huyết khoảng 100 - 125mg/dl thì được xem là “tiền đái tháo đường” (prediabetic).
Hiểu được những con số bình thường và bất thường sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe một cách hữu hiệu hơn.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)