Phòng tụt huyết áp thể đứng ở người cao tuổi
Cập nhật: 22/5/2014 | 2:04:29 PM
Tụt huyết áp thể đứng (tụt huyết áp tư thế) ở người cao tuổi (NCT) là một bệnh hay gặp khi đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm và rất nguy hiểm vì dễ làm bệnh nhân ngã bất thình lình, gây nên những hậu quả xấu (ngất xỉu,gãy xương, đột quỵ, nhũn não). Tuy vậy, tụt huyết áp thể đứng có thể phòng ngừa được.
Nguyên nhân gây tụt huyết áp thể đứng
Huyết áp tức là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch (được gọi là huyết áp động mạch). Khi tim co bóp, máu sẽ được đẩy đi và ép vào thành của động mạch làm cho thành động mạch căng ra và được gọi huyết áp tâm thu (huyết áp cao nhất). Sau khi co bóp, tim sẽ giãn ra và khi đó thành động mạch sẽ co lại về trạng thái ban đầu, số đo ở thời điểm này là huyết áp tâm trương (huyết áp thấp nhất). Ở người bình thường chỉ số huyết áp mục tiêu là 120/80mmHg. Khi huyết áp ≥ 140/90mmHg được gọi là tăng huyết áp, khi huyết áp dưới 100/80mmHg, được gọi là huyết áp thấp và khi huyết áp dưới 90/60mmHg được gọi là tụt huyết áp. Như vậy, huyết áp thấp khác với tụt huyết áp.
Có hai loại huyết áp thấp, sinh lý và bệnh lý (tụt huyết áp). Huyết áp thấp sinh lý thường gặp ở những người khỏe mạnh với đặc điểm huyết áp thấp duy trì trong suốt cuộc đời, có thể do thể trạng, do ở vùng núi cao (để thích nghi với sự thiếu oxy do loãng không khí trường diễn) hoặc do di truyền. Vì vậy, huyết áp thấp sinh lý thường khó phát hiện được những biến đổi khác thường khi chẩn đoán lâm sàng cũng như xét nghiệm hoặc cận lâm sàng. Huyết áp thấp bệnh lý có 2 loại, tụt huyết áp thể đứng cấp tính và mãn tính.
Tụt huyết áp thể đứng cấp tính thường biểu hiện hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, rất mệt, đánh trống ngực, đôi khi bị ngất xỉu và đôi khi chỉ thoáng qua. Tụt huyết áp thể đứng cấp tính có thể do xuất huyết (dưới da, niêm mạc, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục), do dùng thuốc hạ huyết áp quá liều, do hạ đường huyết (đường huyết dưới 2,5mmol/l), do chấn thương chảy máu nhiều, do mất nước (tiêu chảy, sốt).
Riêng với tụt huyết áp thể đứng mãn tính có thể là nguyên phát do giảm trương lực thần kinh - mạch máu, do thiếu máu, mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính (nhiễm trùng huyết) hoặc nhiễm trùng mãn tính (viêm họng mãn, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đường mật, sâu răng, viêm lợi...) hoặc do sau ngộ độc thức ăn, ngộ độc độc tố của vi khuẩn và các chất độc trong phân (NCT bị táo bón kéo dài). Ngoài ra, tụt huyết áp thể đứng ở NCT còn có thể do rối loạn chức năng tuyến thượng thận (bệnh Addison), bệnh tuyến yên hoặc bệnh tuyến giáp làm cho NCT thiếu hụt hóc - môn hoặc do giảm đường huyết (glucoza huyết). Giảm đường huyết ở NCT có thể do ăn thiếu bữa, thiếu số lượng tinh bột (cơm, bánh mì), do suy dinh dưỡng, lười uống nước, ít ăn rau, quả hoặc dùng thuốc hạ đường huyết trong bệnh đái tháo đường. Bởi vì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống kém hoặc do ốm yếu nằm lâu ngày, ít vận động sẽ ảnh hưởng đến trương lực cơ tim, trương lực thành mạch, từ đó sẽ làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan, đặc biệt là tim và não bộ gây nên hiện tượng tụt huyết áp khi đứng dậy từ ngồi hoặc nằm.
Tụt huyết áp thể đứng ở NCT cũng có thể do tác động của chấn thương tâm lý liên tục (stress), hoặc có thể do thiếu hụt hemoglobin (nếu thấp dưới 9g/dl sẽ làm cho lượng oxy vận chuyển tới não bộ và tim bị giảm). Một số NCT tụt huyết áp thể đứng do dùng một số thuốc ảnh hưởng đến huyết áp như là thuốc lợi tiểu, thuốc chữa cao huyết áp, thuốc chữa bệnh tim mạch, thuốc chữa bệnh Parkinson...
Nhận biết tụt huyết áp thể đứng
Muốn biết NCT có bị tụt huyết áp thể đứng hay không thì chỉ cần đo huyết áp. Để biết chính xác chỉ số huyết áp thì cần để bệnh nhân nằm nghỉ khoảng 20 phút rồi đo huyết áp ở tư thế nằm. Sau đó cho bệnh nhân đứng dậy. Sau khi đứng từ 5 - 10 phút sẽ đo huyết áp ở tư thế này. Nếu thấy huyết áp tâm thu tụt xuống ≥ 20mmHg so với huyết áp khi nằm là có thể gọi tụt huyết áp thể đứng. Nên kiểm tra huyết áp vào những thời điểm huyết áp thường thấp nhất như buổi tối trước khi đi ngủ, buổi chiều tối hoặc sau khi vừa ăn xong.
Triệu chứng của tụt huyết áp thể đứng cấp tính thường có hoa mắt, chóng mặt trong vài giây, thậm chí ngất xỉu. Triệu chứng của tụt huyết áp mãn tính thường có đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch (đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi...), mệt mỏi, rất muốn nghỉ ngơi, lười hoạt động, lười suy nghĩ, thiếu tập trung tư tưởng, chóng quên. Đôi khi cảm giác buồn nôn, vã mồ hôi nhưng vẫn thấy lạnh. Ngoài ra, tụt huyết áp tư thế mạn tính ở NCT có thể làm giảm khả năng tình dục vốn dĩ đã suy giảm. Một số xuất hiện tình trạng rụng tóc. Để chẩn đoán tụt huyết áp thể đứng cần làm xét nghiệm máu, điện tim, siêu âm tim, kiểm tra sức khỏe tim, trong đó người bệnh sẽ được thực hiện các hoạt động như đi bộ trên máy, để làm sao cho tim hoạt động mạnh hơn.
LỜI KHUYÊN CỦA THẦY THUỐC
Để phòng tụt huyết áp thể đứng, NCT nên có chế độ ăn uống hợp lý, không nên bỏ bữa và uống đủ lượng nước hàng ngày. Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính. Ngoài ra nên ăn các loại quả để tăng vi chất cần thiết và bổ sung thêm lượng nước. Có thể uống cà phê và trà vào các buổi sáng. Nên vận động cơ thể, không nên ngồi lâu một chỗ. Hình thức vận động cơ thể tùy theo điều kiện và tùy theo sức khỏe của từng người. NCT bị tụt huyết áp thể đứng cần được khám bệnh để được điều trị, tư vấn của bác sĩ và thay đổi các loại thuốc đang dùng làm tụt huyết áp. Cần ngủ đủ thời gian cần thiết trong ngày (từ 7 - 8 giờ), đặc biệt chú ý đến chất lượng của giấc ngủ.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)