Trái tim có khả năng tự chữa bệnh

Cập nhật: 29/6/2012 | 11:00:47 AM

Trong cuộc chiến chống lại bệnh nhồi máu cơ tim, y học chất lượng cao hiện đại có thể cứu được nhiều bệnh nhân khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Nhưng nay các bác sĩ lại đi một con đường mới khác trong phép trị liệu: họ đặt hy vọng vào các bypass (tim nhân tạo) của chính cơ thể và sự hợp tác của chính bệnh nhân.

Trong 20 năm qua ở CHLB Đức, số bệnh viện (BV) có Khoa Tim mạch có khả năng làm phẫu thuật tim đã tăng gấp đôi. Từ 1990, phép trị liệu catheter tim đã tăng gấp 10, tức là lên 32.5000 ca. Còn đột phá của ngành dược là sản xuất thuốc chống gia tăng cholesterol nhằm giảm nghẽn mạch đã làm số người chết vì đột quỵ giảm đi một nửa.

Những thành công này gây ảo tưởng bệnh tim là vấn đề đã được giải quyết về mặt kỹ thuật. Thế nhưng kẻ thù lớn nhất của tim là rối loạn cung cấp máu ở mạch máu chưa được giải quyết nhờ phẫu thuật hay thuốc đắt tiền. Số người mắc bệnh tim vẫn rất cao. Tuy số người chết do nhồi máu cơ tim giảm, nhưng chết vì nguyên nhân khác, tức hậu quả của vôi hóa mạch máu: rối loạn mạch, hỏng van tim và tim bị thiếu máu, heartinsufficence-thiểu năng tim, thêm vào đó là gia tăng đột quỵ vì não không được cung cấp đủ máu. Vậy nên nếu xét toàn cục, bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết.

Vì vậy nhiều chuyên gia y học yêu cầu phải thay đổi tư duy để có một cuộc cách mạng trong điều trị bệnh tim mạch. Bệnh nhân vẫn chết vì stent và thuốc không ngăn được vôi hóa mạch máu vành tim. GS.G. Schuler, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV thành phố Leipzig so sánh nghịch lý này với xe hơi bắt đầu có vết gỉ: “Chúng ta có thể sơn phủ để không thấy chỗ đó nữa, nhưng ở nhiều chỗ khác của xe sẽ gỉ tiếp.

Ngày nay thì nhiều bác sĩ đã bắt đầu đi những con đường mới. Họ cương quyết rằng người bệnh có thể góp phần chữa trị cho chính mình. Vì trái tim người có thể tự tạo ra lối thoát cho chỗ nghẽn mạch. Trước hết mạch máu có thể tự chữa qua vận động: thể thao là ví dụ rõ nhất để các bypass phát triển. Các bác sĩ ở BV Charité Berlin còn đề xuất những máy để tạo ra bypass, nơi khác lại tìm thuốc để làm việc đó. Và yếu tố quan trọng là bệnh nhân cũng phải ý thức được với bệnh của mình. Chẳng hạn trước hết nếu đang hút thuốc thì phải quyết tâm bỏ, còn không thì bác sĩ giỏi nhất cũng bó tay.

Nhiều người hiện đang khỏe vẫn dùng thuốc giảm mức cholesterol nhằm phòng bệnh, chẳng hạn statin. Nhưng chính statin thậm chí lại có hại cho tim. TS. Deindl ở BV Đại học Munich nói: “Bác sĩ chúng tôi tìm cách nối tắt những chỗ nghẽn mạch bằng arteriogenese, thế nhưng statin tác động ngược lại, chúng cản trở việc này”.

Cũng sẽ có lầm lẫn khi đánh giá sai vai trò của mức cholesterol. Theo định hướng châu Âu, lượng cholesterol trong máu phải dưới 200mg/dl, thậm chí nay còn xuống đến 193mg/dl. Ở Bavaria mới đo trên 760 người khỏe thì thấy con số trung bình là 245mg/dl. Thế nên mọi người đều uống statin để phòng bệnh, số người dùng statin ở CHLB Đức là khoảng 4 triệu người. Thế nhưng thuốc chỉ có tác dụng giúp ích thật sự cho khoảng 4% số người đó. Theo các chuyên gia, nếu statin hữu ích thì nó cũng nhỏ tới mức chúng ta có thể quên đi. Thuốc khác là ezetimib giảm tiếp nhận cholesterol qua ruột. Hiện nay số người uống thuốc đó hằng ngày ở Đức là 300.000 người, tốn 220 triệu euro/năm.

Mức cholesterol giảm quá thấp thậm chí rút ngắn tuổi thọ. Ở Nhật, khi khảo cứu 12.300 người dân nông thôn trong thời gian 10 năm - chính là nhóm lượng tổng cholesterol thấp (dưới 160mg/dl) - thấy tỉ lệ tử vong tăng. Ở khảo cứu tương tự với 12.740 người, các bác sĩ Seoul (Hàn Quốc) cũng thấy tỉ lệ tử vong tăng khi lượng tổng cholesterol thấp dưới 160mg/dl. Họ cảnh báo: các bác sĩ nên hết sức cẩn thận khi kê toa statin. Hơn thế, các dược phẩm còn cản trở mạch máu phát triển. TS. Deindl cảnh báo: “Statin phá hủy các con đường trao đổi chất sinh hóa mà cơ thể cần để các mạch máu mới có thể phát triển”.

Qua nghiên cứu đã chứng minh được rằng, việc tạo các bypass - mạch rẽ tự nhiên qua arteriogenese - hình thành động mạch sẽ rất thuận lợi ở những người năng vận động. Và ai có mạng collateral-mạch nhánh tốt, người đó đã có công cụ bảo vệ ngay trong tim.

Ở  Leipzig, các bác sĩ nghiên cứu trên 101 bệnh nhân, một nửa được mở rộng chỗ nghẽn mạch rồi lắp stent, số còn lại chỉ luyện tập thể thao. Sau 1 năm thấy ở những người đi xe đạp, 88% không mắc bệnh mới, trong khi ở những người lắp stent, số này chỉ là 70%.

Ở Berlin, TS. Buschmann phát minh ra một máy gọi là Herz Hose - quần tim và đã thử trên 300 bệnh nhân. Ông thấy nó có trợ giúp sự phát triển bypass khi người bệnh mang nó. Nhưng ông hy vọng sau này bệnh nhân không phải vì thế mà cứ ngồi suốt ngày trước tivi mà nên chăm vận động hơn, máy chỉ có tác động trợ giúp ban đầu mà thôi.

Tờ chuyên khảo “Lancet” (Anh) nêu: khi đánh giá dữ liệu sức khỏe của 400.000 người thì thấy, ai chỉ cần luyện tập thể thao 15 phút/ngày sẽ giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim được 20% và qua đó, xét theo thống kê học, tăng tuổi thọ ít nhất 3 năm. 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin