Suy tim ở người cao tuổi: Do già hóa?
Cập nhật: 2/3/2013 | 8:26:36 PM
Tuổi càng cao đồng nghĩa với việc chức năng của các cơ quan trong cơ thể ngày một suy giảm, đặc biệt là những cơ quan phải “làm việc liên tục ngày đêm” như tim, phổi, thận. Sự suy giảm chức năng này ngoài nguyên nhân bất khả kháng do “già hóa” thì cũng còn rất nhiều nguyên nhân ngoại lai khác gây nên mà dù ít dù nhiều, chúng ta có thể phòng tránh được.
Một số nguyên nhân chủ yếu
Theo một số thống kê gần đây, nguyên nhân hàng đầu của suy tim ở người từ 65 tuổi trở lên là do bệnh mạch vành. Động mạch vành bị xơ vữa, huyết khối làm hẹp, tắc dẫn đến giảm tưới máu cơ tim. Các bệnh mạch vành gây ra các hiện tượng thiếu máu, tổn thương cơ tim. Quá trình này diễn ra mạn tính hoặc cấp tính đều dẫn tới việc suy giảm chức năng tim, cơ tim phì đại, giãn to các buồng tim trong khi khả năng co bóp của cơ tim lại giảm dần. Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành ở người cao tuổi gồm tình trạng xơ vữa mạch, tiền sử hút thuốc lá, nghiện rượu, mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric... và không thể không nói đến sự thoái triển tự nhiên của thành mạch do lão hóa. Chẩn đoán suy tim ở người cao tuổi do nguyên nhân bệnh mạch vành dựa vào tiền sử có các yếu tố nguy cơ, làm điện tim, siêu âm tim và chụp mạch vành để xác định tình trạng hẹp, tắc.
Xơ vữa động mạch vành gây suy tim ở người cao tuổi.
Nguyên nhân hay gặp thứ hai gây suy tim ở người cao tuổi là nguyên nhân do nhồi máu cơ tim. Khi một động mạch vành bị hẹp nhưng tắc hẳn, cơ tim sẽ bị tổn thương từ từ và quá trình suy tim diễn ra chậm hơn. Khi động mạch vành nuôi tim đã bị hẹp sau đó lại tắc do huyết khối, nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra và tổn thương sẽ phối hợp giữa nhồi máu và cả hoại tử cơ tim. Nếu vùng tổn thương quá rộng và sâu, hiện tượng suy tim cấp sẽ xảy ra. Triệu chứng là những cơn phù phổi nếu suy thất trái cấp và tụt huyết áp, loạn nhịp, gan to, tĩnh mạch cổ nổi nếu suy thất phải cấp. Nếu bệnh nhân qua khỏi, các “sẹo” tổn thương cộng với tình trạng thiếu máu mạn tính do hẹp mạch vành sẽ dẫn đến “suy yếu” các sợi cơ tim và gây “suy tim sau nhồi máu” rất hay gặp trên lâm sàng. Việc chẩn đoán suy tim sau nhồi máu không có gì khó khăn dựa vào tiền sử bệnh nhân có nhồi máu cơ tim và các bằng chứng hiện tại chứng tỏ còn “dấu vết” của nhồi máu như sóng Q trên điện tâm đồ, vùng cơ tim giảm vận động trên siêu âm tim...
Bệnh van tim cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tim ở người già. Các bệnh van tim sẵn có như hẹp, hở van cộng với hiện tượng xơ, vôi hóa dây chằng, vôi hóa các lá van, buồng tim to ra trong bệnh tăng huyết áp... làm nặng thêm các rối loạn huyết động do tổn thương van. Hẹp hai lá làm máu ứ lại ở phổi, hở van hai lá làm dòng máu phụt ngược trở lại tâm nhĩ trái trong khi tim co bóp... khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cung cấp máu cho cơ thể dẫn đến suy tim. Xác định nguyên nhân suy tim do tổn thương van tim bằng khám lâm sàng và siêu âm tim.
Có tới 50% số người trên 65 tuổi bị tăng huyết áp ở các mức độ khác nhau và đây là một nguyên nhân hàng đầu gây phì đại và suy giảm chức năng thất trái. Quá trình này diễn tiến nhanh hay chậm tùy theo mức độ kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân có tốt hay không. Nếu việc điều trị tăng huyết áp không tốt, tim phải làm việc nhiều và tình trạng phì dày thành thất trái cũng như suy tim chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt là ở người tuổi cao.
Các bệnh lý như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại cũng là nguyên nhân gây suy tim ở người cao tuổi với một tỷ lệ khá cao. Các bệnh lý phổi mạn tính cũng là nguyên nhân của suy tim phải (bệnh tâm phế mạn) cũng như góp phần vào việc làm tăng tiến triển của suy tim nói chung do tình trạng thiếu ôxy mạn tính của bệnh phổi mạn.
Đái tháo đường là nguyên nhân tổn thương mạch máu kèm theo các rối loạn chuyển hóa mỡ máu nên làm tổn thương mạch vành, gây suy tim ở người già. Nguy cơ suy tim càng tăng ở bệnh nhân tuổi cao bị đái tháo đường nếu có tình trạng béo phì, hút thuốc lá, bệnh gút và tăng huyết áp.
Các biện pháp dự phòng
Nói chung, ngoài việc suy giảm chức năng tim theo tuổi, suy tim ở người cao tuổi có thể hạn chế được bằng cách điều trị các yếu tố nguy cơ như kiểm soát tốt huyết áp, điều trị rối loạn mỡ máu, acid uric máu, theo dõi điều trị các bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim, điều trị can thiệp sớm các bệnh van tim trước khi tim bị suy hoặc còn đang suy ở mức độ nhẹ, điều trị tốt các bệnh phổi mạn tính kèm theo, duy trì một chế độ ăn khỏe mạnh (nhiều rau tươi, hoa quả, ít thịt, muối và mỡ), tập luyện hợp lý, giảm cân. Nếu đã có suy tim nên được theo dõi và điều trị tại một cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy để tránh suy tim tiến triển nặng thêm.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)