Tác hại tim mạch do đái tháo đường

Cập nhật: 22/7/2013 | 8:23:49 PM

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có thể dẫn đến nhiều tác hại trên hệ tim mạch. Ở mạch máu lớn ĐTĐ gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ, loét chân và có thể cắt cụt chân. Trên mạch máu nhỏ, ĐTĐ gây ra bệnh võng mạc, suy thận và bệnh thần kinh...

Không có cách nào hoàn hảo để tránh biến chứng tim và mạch máu ở người ĐTĐ, nhưng người bệnh có thể làm rất nhiều điều để giảm nguy cơ của mình.

Ngưng hút thuốc:

Ngưng thuốc lá không bao giờ là quá trễ, người bệnh sẽ hưởng được ngay các lợi ích về sức khỏe do việc ngưng thuốc lá mang lại. Nicotine trong khói thuốc có tác dụng làm co mạch máu, xơ vữa động mạch và giảm tưới máu. Bỏ thuốc lá không những giúp ngừa bệnh tim mạch mà còn ngừa được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Ngoài ra còn giúp việc kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn vì thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.

Giảm cân:

Nếu bị thừa cân hoặc béo phì thì người bệnh cần phải giảm cân. Béo phì có xu hướng làm tăng đường huyết, tăng huyết áp và mỡ máu. Dù chỉ giảm 5 - 10kg cũng đủ cải thiện sức khỏe của người bệnh. Để giảm cân, nên ăn thực phẩm lành mạnh có ít chất béo, nhiều chất xơ và tăng cường hoạt động thể lực. Chúng sẽ giúp giữ lượng đường huyết và nồng độ mỡ máu trong giới hạn an toàn.

Người đái tháo đường nên ăn chế độ ít chất béo, nhiều chất xơ

Hoạt động thể lực:

Tập thể lực là phương pháp giúp kiểm soát đường huyết rất hiệu quả mà lại không tốn tiền.

Lợi ích của hoạt động thể lực ở người ĐTĐ:

- Cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch: đường huyết, mỡ trong máu, huyết áp.

Bệnh ĐTĐ được gọi là kiểm soát tốt khi đạt các mục tiêu sau:

- Đường huyết đói: 80 - 120mg/dl.

- Đường huyết 2 giờ sau ăn: < 180mg/dl.

- HbA1c < 7 %.

- Lượng mỡ trong máu: LDL <100 mg/dl (bệnh nhân có bệnh mạch vành nên giảm LDL < 70mg/dl); triglyceride < 150mg/dl; HDL > 40mg/dl ở nam và > 50mg/dl ở nữ.

- Huyết áp < 140/90mmHg.

- Ít bị hạ đường huyết, đạt cân nặng lý tưởng.

- Giảm nguy cơ bệnh tim và chết đột ngột.

- Tăng nhạy cảm với insulin.

- Kiểm soát cân nặng và giảm mô mỡ.

- Giúp cho xương chắc khỏe, khớp linh hoạt, cơ dẻo dai, giảm nguy cơ té ngã.

- Giúp người bệnh tự tin, giảm căng thẳng.

Bên cạnh những lợi ích vừa kể, việc tập thể lực ở người ĐTĐ cũng gặp nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe. Vì vậy, người bệnh cần tuân theo một số nguyên tắc để phòng ngừa các nguy cơ này, bao gồm:

- Tim mạch: đau ngực do gắng sức, huyết áp quá cao hay quá thấp.

- Chuyển hóa: tăng hoặc hạ đường huyết quá mức, tãng thể xêtôn.

- Mạch máu nhỏ: làm nặng hơn tổn thương đáy mắt, xuất huyết võng mạc, làm tăng tiểu đạm.

- Xương khớp: loét chân, tổn thương gân, xương và khớp.

Nên tập tối thiểu là 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần, lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước tập. Các loại hình luyện tập đi bộ, bơi lội, cầu lông, leo cầu thang đều được. Nhưng chọn loại nào phải phù hợp với tình hình sức khỏe, biến chứng và bệnh đi kèm của từng người bệnh (lưu ý không luyện tập khi 14 mmol/L < đường huyết đói < 3.9 mmol/L). Cần tham khảo thêm ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa về hình thức luyện tập và cách theo dõi đường huyết trước và sau tập.

Kiểm soát đường huyết:

Đường trong máu cao làm tăng nguy cơ cho tất cả các loại biến chứng của bệnh ĐTĐ, vì vậy điều quan trọng là phải duy trì ổn định lượng đường huyết.

Nên theo dõi đường huyết thường xuyên để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện thể lực và thuốc nếu đường huyết cao bất thường (> 180 mg/dl hai giờ sau khi ăn, hoặc > 130 mg/dl trước khi ăn), hoặc thấp bất thường (<70 mg/dl, hoặc < 90 mg/dl nếu xuất hiện các triệu chứng của hạ đường huyết).

Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: glucid 50 - 60%, protid 15 - 20%, lipid 20 - 30% tổng số calo trong ngày, nên chọn loại thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết (GI) thấp, nhiều chất xơ (rau 100 - 200g/bữa), kiêng đồ ngọt. ĐTĐ týp 2 ăn ba bữa chính (sáng, trưa, tối), bệnh nhân đang tiêm insulin có thể chia ra ăn thành 4 - 5 bữa nhằm đề phòng hạ đường huyết.

HbA1C hay hemoglobin A1C là một xét nghiệm cho biết lượng đường trung bình trong máu của bạn đã được kiểm soát như thế nào trong vòng ba tháng gần đây. Nên làm xét nghiệm này mỗi 3 - 6 tháng, nếu đường huyết được kiểm soát tốt thì HbA1C của bạn phải < 7%.

Duy trì ổn định lượng mỡ trong máu:

Lượng mỡ tăng cao trong máu sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Khi bị ĐTĐ sẽ dễ bị rối loạn mỡ trong máu, vì vậy nên làm xét nghiệm kiểm tra mỗi ba tháng. Có nhiều bằng chứng cho thấy giảm mức độ LDL (mỡ xấu) ở những người ĐTĐ sẽ làm giảm rất nhiều nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mục tiêu duy trì lượng mỡ trong máu của người bệnh nên thấp hơn so với người không bị ĐTĐ.

- Lượng HDL (mỡ tốt) phải lớn hơn 40mg/dl đối với nam và trên 50mg/dl đối với phụ nữ.

- Mức độ cholesterol LDL nên duy trì < 100mg/dl, nếu đã bị biến chứng tim mạch thì nên duy trì LDL < 70mg/dl.

- Triglyceride cũng là loại mỡ xấu, cần duy trì dưới 150 mg/dl.

Để đạt được những mục tiêu này, người bệnh nên ăn chế độ ít chất béo, nhiều chất xơ,  ăn ít năng lượng hơn, hoạt động thể lực nhiều hơn bởi vì hoạt động thể lực làm giảm lượng mỡ xấu và làm tăng lượng mỡ tốt. Nếu vẫn chưa kiểm soát được lượng mỡ máu bằng chế độ ăn và tập thể lực thì nên dùng thêm thuốc giảm mỡ máu.

Kiểm soát tốt huyết áp:

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận và tổn thương đáy mắt. Nên duy trì huyết áp < 140/90mmHg. Thực hiện kế hoạch bữa ăn ít muối, nhiều chất xơ, hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực, dùng thuốc hạ huyết áp đều đặn theo toa bác sĩ. Các thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II đã được chứng minh là rất tốt cho việc kiểm soát tăng huyết áp ở người ĐTĐ.

Hãy hỏi bác sĩ về việc dùng aspirin mỗi ngày. Aspirin đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc phòng ngừa các biến cố mạch máu nghiêm trọng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Chúng ta biết rằng người bệnh ĐTĐ có nguy cơ cao hơn nhiều cho các loại biến cố này, vì vậy những người bị bệnh ĐTĐ  nên xem xét việc dùng aspirin.


Lời khuyên của thầy thuốc

Những việc cần kiểm tra khi tập thể lực ở người ĐTĐ: 

- Tư vấn với bác sĩ để có bài tập phù hợp.

- Kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập.      

- Làm nóng trước khi tập và làm mát sau đó.     

- Mang giày và vớ phù hợp.   

- Uống nhiều nước (trước, trong và sau khi tập).

- Kiểm tra bàn chân xem có bóng nước hoặc lở loét (trước, trong và sau khi tập).       

- Chuẩn bị sẵn một ít bánh kẹo để dùng ngay khi có dấu hiệu hạ đường huyết.



 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin