Thấp tim
Cập nhật: 20/8/2013 | 4:40:18 PM
Bệnh thấp tim nếu không được điều trị sớm và đầy đủ có thể gây ra tổn thương tim vĩnh viễn.
Khám và điều trị sớm, trị dứt điểm viêm họng cho trẻ ảnh: Shutterstock |
Khớp đớp vào tim
Khớp đớp tim là tên gọi thông thường của bệnh thấp tim. Ban đầu khớp bị bệnh, sau đó lan sang tim và làm hỏng tim. Nói như vậy, nhưng thực ra nguyên nhân gây bệnh không phải là viêm khớp, mà là viêm họng. Chính xác hơn, bệnh do liên cầu khuẩn beta tan máu nhóm A (Streptococcus A) gây nên.
Vi khuẩn này ban đầu gây bệnh ở họng, tạo ra một đợt viêm họng cấp tính. Sau đó thì viêm họng khỏi và chuyển sang viêm khớp, cứ thế tiến triển, kèm theo xuất hiện nhiều triệu chứng mới và gây ra viêm tim. Lúc này thấp tim thực sự xuất hiện.
Do thời gian viêm họng cách xa với viêm tim, trung bình từ 14 - 28 ngày, nên người ta hầu như quên luôn căn bệnh gốc (viêm họng) mà chỉ “đổ lỗi” là hỏng tim do viêm khớp.
Cơ chế ngắn gọn của bệnh thấp tim đó là sự chống lại nhầm lẫn của miễn dịch cơ thể với các cơ quan có cấu trúc thành phần giống như kháng nguyên của vi khuẩn. Các mô ấy bao gồm khớp, tim, sụn và các mô liên kết dưới da.
Họng viêm thì họng sẽ khỏi. Da viêm thì da sẽ hết. Khớp viêm thì khớp sẽ không còn đau. Không một cơ quan nào để lại biến chứng. Nhưng thấp tim thì rất nguy hại. Đó là do bệnh gây sự cố nghiêm trọng trên tim. Một khi không được điều trị sớm và đầy đủ, thấp tim sẽ gây ra viêm cơ tim, van tim, làm thay đổi lớp màng trong của tim - trở nên xù xì, viêm dính và nổi các hạt li ti. Van tim trở nên dính, hẹp, hở lung tung. Cơ tim trở nên viêm, giảm chức năng co bóp. Cuối cùng, dẫn tới rung nhĩ hoặc suy tim, những cái kết nặng nhất của tim mạch.
Chủ yếu ở trẻ em
Thấp tim chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi có chất lượng cuộc sống chưa cao và tình trạng vệ sinh chưa tốt; thấp tim xảy ra chủ yếu ở trẻ em từ 5-15 tuổi. Vì thế, có thể gọi đây là bệnh của lứa tuổi trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Khi thấy các dấu hiệu sau đây thì nên cho trẻ đi khám:
- Trẻ bị sưng to hai khớp gối. Ngoài ra còn có thể bị ở khớp khuỷu tay, cổ tay, cổ chân. Tuyệt nhiên không bị ở các khớp ngón tay.
- Cùng với viêm khớp, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng xuất hiện ban đỏ ở da ngực bụng. Thêm vào đó có thể là triệu chứng của hạt thấp dưới da - là các hạt nhỏ, cứng, nổi lên trên mặt da, di động, không đau.
- Nhịp tim của trẻ rất nhanh, có khi nhịp tim không đều.
- Xem xét lại thời gian trước đó, nếu trẻ có sốt liên miên, có dấu hiệu viêm họng cách đó chừng 2 tuần. Trẻ có đợt viêm họng: ho, đau rát họng, sưng họng, sưng amidan, nói đau, nuốt khó.
Nếu với hệ thống dấu hiệu như trên, gần như chắc chắn là trẻ đã bị thấp tim và cần đưa đi bệnh viện ngay.
Các xét nghiệm cần làm là đo nồng độ kháng nguyên ASLO trong máu, đo nồng độ protein C huyết thanh, tốc độ máu lắng, làm điện tim, siêu âm tim và soi tìm vi khuẩn trong nhày họng hoặc cấy khuẩn.
Phòng và điều trị
Vì là bệnh do vi khuẩn và do đáp ứng miễn dịch nên biện pháp điều trị cơ bản là kháng sinh và chống viêm. Tiếp theo sau điều trị tấn công để tiêu diệt vi khuẩn, trẻ cần tiếp tục được dùng thuốc để phòng tái phát. Tính trung bình cứ một tháng 1 lần tiêm bắp. Tiêm là đường dùng thuốc tốt nhất. Thời gian dùng dự phòng tùy vào trường hợp. Trường hợp nhẹ thì chỉ cần dùng 5 năm, nhưng trường hợp nặng thì cần dùng đến 10 năm và tốt nhất là kéo dài đến 45 tuổi.
Tất cả các trường hợp có amidan sưng to, viêm họng, cần được điều trị triệt để.
(Nguồn: thanhnien.com.vn)