Ma-giê – Hoạt chất tối cần thiết cho trái tim

Cập nhật: 10/3/2014 | 11:51:40 AM

Đúng là khoáng tố ma-giê (Mg) giữ vai trò quan trọng cho cấu trúc vững chắc của xương. Nhờ có Mg mà chất vôi được trải đều trong mô xương.

Bên cạnh đó, Mg là khoáng tố không thể thiếu cho vận động của bắp thịt. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì uổng cho công năng đa dạng của khoáng tố này. Mg là hoạt chất tối cần thiết cho trái tim trong cả hai ý nghĩa phòng bệnh và trị bệnh.

ma-gie-hoat-chat-toi-can-thiet-cho-trai-tim

Ảnh minh họa – Internet

Một thầy thuốc ở Đức, bác sĩ Dolf Kunzel, nổi tiếng không nhờ mát tay chữa bệnh mà do quyển sách mang tên Cuộc sống mới sau lần nhồi máu cơ tim kể về kinh nghiệm bản thân. Qua đó, tác giả hồi phục nhanh và trở về đời sống bình thường nhờ biết cách dùng Mg. Kunzel đã không quá lời khi ca tụng Mg vì khoáng tố này giúp:

- Tăng cường thu nạp dưỡng khí cho tế bào, nhất là cơ tim.

- Chống co thắt cơ trơn nên giúp giãn mạch và hạ huyết áp.

- Cải thiện tuần hoàn trong mạng lưới vi mạch.

- Giữ máu loãng để tránh thuyên tắc.

Không lạ gì nếu Mg từ lâu đã là nhân tố quan trọng trong phác đồ điều trị phục hồi sau khi thuyên tắc mạch vành cũng như để ngăn ngừa tình trạng tái phát. Bên cạnh đó, Mg là thuốc tốt cho người bị rối loạn nhịp tim. Trong nhiều trường hợp đã được xác minh qua nghiên cứu lâm sàng, áp dụng Mg lâu dài là biện pháp điều hòa nhịp tim với hiệu năng không thua các loại thuốc đặc hiệu, thậm chí nhiều khi còn tốt hơn vì ít phản ứng phụ.

Không dừng lại trong phạm vi điều trị, Mg còn là phương tiện sinh học để phòng ngừa bệnh tim mạch. Thống kê qua nhiều mô hình khảo sát cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa Mg và bệnh lý của hệ tuần hoàn. Điều cần lưu ý là bệnh tim dễ thành hình ở người chưa hẳn thiếu Mg nhưng hàm lượng khoáng tố này trong máu nằm gần trị số cực tiểu của định mức bình thường. Đáng nói hơn nữa là nhiều thầy thuốc khi xét nghiệm chất điện giải trong máu thường chỉ chú trọng các khoáng tố thông thường như Na, Ca, K, Cl mà bỏ lửng Mg hoặc có cho xét nghiệm Mg nhưng không lưu tâm vì kết quả tuy thấp song vẫn còn trong định mức bình thường.

Đây là thiếu sót nghiêm trọng. Theo kết quả một công trình nghiên cứu kéo dài gần 20 năm với hơn 5.000 đối tượng, người có hàm lượng Mg trong máu càng thấp càng dễ bị bệnh mạch vành. Ngược lại, nếu hàm lượng này càng cao, miễn đừng thừa, thì gia chủ hiếm khi có vấn đề với trái tim. Do đó, đối tượng có cuộc sống “không stress không về” nên lưu ý:

- Kiểm soát định kỳ chất điện giải qua xét nghiệm có tên là ion đồ nhưng đừng quên lưu ý thầy thuốc về Mg, nhất là đối tượng dễ thất thoát khoáng tố này, chẳng hạn trong tuổi mãn kinh hay ở người thường dùng thuốc tẩy xổ.

- Dùng thuốc có Mg nhiều ngày nếu lượng khoáng tố này trong máu thuộc 1/3 dưới của trị số bình thường cho đến khi hàm lượng này được cải thiện, tối thiểu với trị số ở khoảng giữa định mức bình thường.

- Bổ sung Mg bằng nước khoáng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

- Kết hợp thuốc có Mg với sinh tố E vì đây là cặp bài trùng cộng hưởng trong tác dụng trung hòa độc chất của môi trường ô nhiễm, qua đó bảo vệ phòng chống xơ vữa mạch máu.

Muốn bảo vệ con tim, đừng quên Mg. Đừng lạm dụng thuốc. Ngược lại, cũng đừng đợi đến thiếu mới bổ sung.

(Nguồn: bacsi.com)

In bản tin