Cho một trái tim khỏe: Bệnh tim - Tại sao không phòng trước khi quá muộn ?
Cập nhật: 30/9/2014 | 10:46:13 AM
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lý tim mạch là căn bệnh giết người hàng đầu, là nguyên nhân gây ra 17,5 triệu ca tử vong hằng năm.
|
Số người chết vì “sát thủ thầm lặng” này không ngừng gia tăng, trở thành mối lo cho bất kỳ quốc gia nào. Tuy nguy hiểm cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh tim mạch lại là điều đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể chủ động chọn lựa để có một trái tim khỏe mạnh!
Đáng buồn thực trạng bệnh tim ngày càng trẻ hóa
Những năm gần đây, các chuyên gia sức khỏe tim mạch đã liên tục lên tiếng cảnh báo về tốc độ gia tăng chóng mặt của bệnh tim mạch trên toàn thế giới, trong đó tới 80% số người bệnh thuộc các nước đang phát triển. Hiện tại, theo WHO, hằng năm trên thế giới có hơn 17 triệu người chết vì các bệnh liên quan tới tim mạch; và con số này sẽ tăng lên 20 triệu vào năm 2015.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người trên 25 tuổi bị mắc bệnh cao huyết áp là 25,1%, trong khi đó những năm 1980 tỷ lệ này chỉ là 11,5%. Bệnh lý tăng huyết áp cũng ngày càng trẻ hóa, gây nguy cơ tim mạch cho những người đang nằm trong độ tuổi lao động. Khoa tim mạch ở các bệnh viện luôn luôn trong tình trạng quá tải, trong khi đó tại thời điểm cách đây hơn 15 - 20 năm, bệnh lý tim mạch còn khá hiếm gặp. Thực trạng đáng buồn này làm chúng ta phải đặt câu hỏi: vì sao bệnh tim mạch lại ngày càng gia tăng với tốc độ đáng báo động như vậy?
Các chuyên gia phân tích, đây là hệ quả của chế độ ăn nhiều chất béo, ít vận động, lạm dụng thuốc lá, rượu bia, môi trường sống nhiều stress… Đặc biệt chế độ dinh dưỡng có một tác động lớn tới nguyên nhân gây bệnh. Một điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2012 cho thấy, chế độ dinh dưỡng của người Việt đã thay đổi về cơ bản, đặc biệt là khẩu phần thịt và rau xanh, khiến cho chế độ ăn đang trở nên bị mất cân đối. Trung bình mỗi người Việt ăn 32,2 kg thịt mỗi năm. Trung bình bữa ăn của người Việt có 188 gr thịt song chỉ có 60,8 gr trái cây, 160 gr rau xanh/ngày. Trong khi đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn quá 150 gr thịt mỗi ngày và cần 400 gr rau xanh và trái cây mỗi ngày.
Có thể thấy, người Việt đang ăn thịt quá nhiều, lượng rau củ quả giảm dần. Ăn quá nhiều các chất béo từ thịt là nguyên nhân gia tăng cholesterol và huyết áp, dẫn tới các bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim… đều là các bệnh lý rất nguy hiểm.
Tạo môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe
Ngày Tim mạch thế giới 29.9 năm nay đưa ra một thông điệp: “Tạo môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe” cũng nhằm nâng cao ý thức phòng chống tim mạch trong cộng đồng trên toàn thế giới.
Vận động thể chất không chỉ là tập thể dục mà còn rất nhiều lựa chọn khác: đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đạp xe đến công ty, làm việc nhà...
Để có một chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch, chúng ta cần giảm thiểu lượng chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa (có trong thức ăn nhanh, snack, nước ngọt, đồ chiên, rán), thay vào đó là một chế độ dinh dưỡng cân đối với nhiều rau củ, ngũ cốc và trái cây. Ví dụ như nếu bạn thích ăn ngọt, hãy ăn xoài thay vì sô cô la, nếu thích hamburger hải sản hãy thay bằng món cá nạc. Đặc biệt, cần tránh dùng mỡ động vật, thay vào đó là dùng loại dầu ăn chiết xuất từ thực vật như dầu đậu nành Simply được Hội Tim mạch Việt Nam khuyên dùng để chiên xào. Dầu đậu nành nguyên chất chứa tới hơn 80% a xít béo chưa bão hòa, có tác dụng làm giảm đáng kể cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol xấu. Trong dầu đậu nành nguyên chất còn giàu các a xít béo có lợi omega-3, omega-6 và omega-9, tốt cho tim mạch.
Cuối cùng, hãy học cách nói “không” với thuốc lá, vì sức khỏe của bạn và của những người thân yêu xung quanh. Thống kê của Liên đoàn Tim mạch thế giới đưa ra một con số đáng báo động: 600.000 người kể cả trẻ em đã tử vong mỗi năm vì sống trong môi trường nhiều khói thuốc lá (hút thuốc thụ động). Một tin vui để bạn kiên quyết bỏ thuốc lá, đó là nếu bạn bỏ thuốc được 15 năm, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch của bạn sẽ giảm xuống ngang với người không hút thuốc.
(Nguồn: thanhnien.com.vn)