16/8/2012 | 9:43:04 AM

Bữa ăn công nhân chất lượng thấp: “Bào mòn” sức lực, ảnh hưởng thế hệ sau?

Những vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra trong bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp (KCN), chế xuất (KCX) đang ngày càng gia tăng. Do giá của mỗi suất ăn quá thấp nên nguồn cung nguyên liệu đầu vào kém chất lượng. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây ngộ độc mà còn khiến hàng triệu người lao động tại đây bị bào mòn sức lực do các bữa ăn thiếu năng lượng. Nếu việc này kéo dài sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giống nòi.

Ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong 5 năm gần đây, toàn quốc đã ghi nhận 927 vụ NĐTP với 30.733 người bị ngộ độc, trong đó có 229 người tử vong. Tính trung bình mỗi năm xảy ra 185 vụ với 6.147 người mắc và 46 người chết/năm. Tỷ lệ NĐTP trong các bếp ăn tập thể chiếm từ 12% - 20,6%  tổng số vụ. Ngộ độc tập thể trong các KCN, KCX xảy ra nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ, chiếm tỷ lệ 66,7% tổng số vụ xảy ra trong cả nước. Riêng chỉ trong những tháng gần đây, hàng loạt các vụ NĐTP của công nhân các KCN tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về thực phẩm kém chất lượng, mất ATVSTP.

 Một bữa cơm trưa của công nhân (ảnh minh họa).
Mới đây, chiều 29/7 tại Công ty Art Tango đóng trên địa bàn KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP. HCM đã xảy ra vụ NĐTP khiến hơn 60 công nhân phải nhập viện cấp cứu do ăn cơm trưa tại công ty, suất ăn được đặt ở một cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Trước tình hình trên, công ty đã huy động phương tiện chuyển hơn 60 công nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Tân. Trước đó, rạng sáng 4/7, Bệnh viện Q.12 (TP. HCM) tiếp nhận nhiều công nhân của hai công ty Trường Vinh và Smart Elegant (cùng ở Q.12) bị NĐTP. 
 
Thông tin từ Chi cục ATVSTP thành phố cho biết, tổng cộng có 183 công nhân nhập viện, với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Suất ăn cho các công nhân trên do Công ty TNHH Tú Anh (đường D2,  Vĩnh Lộc A, H. Bình Chánh) cung cấp (ngày 3/7 cung cấp 1.131 suất ăn).  Qua kiểm tra, Công ty Tú Anh không đảm bảo các điều kiện ATVSTP, từ dụng cụ, trang thiết bị, cơ sở vật chất...   

Chất lượng bữa ăn thấp ảnh hưởng sức khỏe, giống nòi

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đánh giá nguyên nhân gia tăng ngộ độc là do quá trình cung cấp nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến, bảo quản thức ăn gây nhiễm vi sinh. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác về suất ăn có giá trị thấp, kém chất lượng cũng là một thực trạng đáng báo động.

Cấp cứu công nhân ngộ độc tại Công ty Art Tango - KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: PV

Theo khảo sát tại TP. HCM và tỉnh Bình Dương, nơi tập trung nhiều KCN, KCX, trung bình suất ăn của công nhân chỉ từ 10.000đ - 15.000đ, thậm chí có nơi còn dưới 10.000đ. Giá trị bữa ăn thấp nên đa phần chất lượng bữa ăn của công nhân rất mất cân đối, năng lượng trong khẩu phần chỉ có 12% đến từ protein (chất đạm), 16% đến từ chất béo, còn lại 72% đến từ các chất bột đường như gạo, ngô khoai... Việc cung cấp thiếu năng lượng dẫn đến người lao động bị bào mòn sức lực và có nguy cơ cao ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. PGS.TS. Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, những nữ công nhân mang thai bị thiếu dinh dưỡng rất dễ sinh ra những đứa con suy dinh dưỡng, thiếu cân và dễ mắc các chứng như thiếu máu và nhiều hệ lụy khác... Việc sử dụng thực phẩm chưa qua chế biến còn nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề được các chuyên gia sức khỏe lo ngại.

Để bước đầu khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng trong bữa ăn của công nhân tại các KCN, KCX, nhiều ý kiến các chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng cần phải ban hành quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu cho công nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến thức ăn sử dụng thực phẩm có dư lượng hóa chất cao, mất ATVSTP nhằm răn đe và hạn chế những tồn tại kéo dài này.        


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814