17/4/2017 | 1:16:47 PM

Cảnh báo: Cả một thế hệ sẽ bị đau cổ do điện thoại thông minh

Theo báo cáo mới đây tại Hoa Kỳ, các nhà phẫu thuật cột sống đang chú ý tới hiện tượng gia tăng bệnh nhân đau cổ và lưng trên do tư thế không đúng kéo dài khi sử dụng điện thoại thông minh.

Trên tạp chí The Spine chỉ rõ, một số bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân trẻ, những người chưa từng có vấn đề ở lưng, cổ, đã ghi nhận có tình trạng thoát vị đĩa đệm và có vấn đề ở đường cong sinh lý cột sống.

Đồng tác giả nghiên cứu, Todd Lanman, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh cột sống của TT Y khoa Cedars-Sinai Medical (Los Angeles, Hoa Kỳ) nói: “Trong phim X-quang, theo tự nhiên cột sống cổ thường cong ngược lại so với cột sống lưng nhưng những gì chúng tôi thấy là đường cong sinh lý của cổ đang bị đảo ngược. Nguyên nhân là do chúng ta nhìn vào điện thoại hàng giờ mỗi ngày”.

“Khi bệnh nhân đến gặp tôi, họ đã ở trong tình trạng đau đớn tồi tệ và có vấn đề ở đĩa đệm”.

“Mối lo ngại thật sự là chúng ta không biết điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những đứa trẻ đang sử dụng điện thoại cả ngày”, Lanman bày tỏ lo ngại.

Trong nghiên cứu của mình, Lanman và đồng tác giả nghiên cứu TS Jason Cuellar, một bác sĩ phẫu thuật cột sống ở Cedars-Sinai, chỉ rõ nguyên nhân: Mọi người thường nhìn xuống khi sử dụng smartphone, đặc biệt khi nhắn tin văn bản, so với lướt web hay xem video.

Nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng những người để cổ ở 45o thì so với khi đứng, tình trạng cổ của họ còn tệ hơn khi họ ngồi.

Các chuyên gia cho biết, tác động lên cột sống sẽ tăng lên ở các tư thế gập người. Bởi trong khi ở vị trí trung lập, đầu nặng khoảng 4,5-5,4kg. Thì khi nghiêng 15o, đầu sẽ nặng như thể 12kg và khi nghiêng 60o, đầu sẽ nặng tới 27 kg.

“Với người sử dụng điện thoại ngày nay, liệu việc sử dụng điện thoại từ năm 8 tuổi có khiến họ phải phẫu thuật năm 28 tuổi? Ở những trẻ mà cột sống vẫn còn tăng trưởng nhưng không phát triển nữa, chúng ta sẽ không thể chắc điều gì xảy ra hay liệu nó có dẫn tới sự thay đổi các phương pháp giải phẫu thông thường”, Lanman lo ngại.

Những khuyến nghị đơn giản để giảm căng thẳng cho cổ

Lanman và Cuellar đề xuất những thay đổi đơn giản trong lối sống để giảm căng thẳng cho tư thế “đau cổ” do gõ điện thoại.

Họ khuyến nghị nên cầm điện thoại lên ngang mặt, hoặc gần mắt trong khi gõ văn bản trên điện thoại. Họ cũng đề xuất sử dụng 2 tay và 2 ngón cái để gõ ký tự nhằm tạo sự cân đối và vị trí thoải mái hơn cho cột sống.

Ngoài việc sử dụng điện thoại thông minh, các nhà cột sống học cũng khuyên những người làm việc máy tính hay máy tính bảng nên sử dụng giá đỡ sao cho màn hình ngang với tầm mắt một cách tự nhiên.

Với laptop, họ khuyến nghị một sự thích ứng tương tự bằng cách sử dụng 1 bàn phím và chuột riêng biệt sao cho màn hình máy tính xách tay ở vừa tầm mắt mà vẫn hiệu quả trong khi sử dụng.

“Thật khó để khuyến nghị một tư thế phù hợp cho tất cả người sử dụng smartphone. Nếu chúng ta nâng điện thoại lên ngang mắt sẽ tránh được cúi đầu nhưng nó lại tạo thêm áp lực cho vai và cánh tay phải dơ cao”, Gwanseob Shin Viện Khoa học và công nghệ quốc gia Ulsan (Hàn Quốc) băn khoăn.

“Một khuyến cáo thực tế hơn có lẽ là chúng ta nên thường xuyên nghỉ ngơi hoặc luyện tập chăm chỉ để cơ cổ và vai khỏe mạnh”, Shin nói.

“Một số ứng dụng có thể đưa ra những tín hiệu báo động khi người dùng ở tư thế cúi đầu kéo dài”.

Lanman khuyến nghị nên tập các bài tập giãn cơ và các bài tập tư thế. Và bài tập của ông thường là cho bệnh nhân nằm trên giường với phần cổ và đầu nằm ở ngoài giường, kéo cổ ngược trở lại nhằm mục đích khôi phục lại đường cong bình thường ở cổ.

Trong khi ngồi, Lanman khuyến nghị nên chú ý tới cổ và cột sống bằng cách kiểm tra xem tai có thẳng với vai và vai có thẳng với hông.

“Hãy nhờ bạn bè chụp phần trên cơ thể trong khi bạn đang gõ điện thoại và rồi sử dụng bức ảnh này làm nền cho máy điện thoại”, Shin nói.

“Điều này sẽ nhắc nhở bạn nghỉ ngơi thường xuyên. Ngay cả một khoảng nghỉ ngắn vài giây cũng giúp các mô trong cơ thể hồi phục”.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814