1/11/2014 | 10:07:20 PM

Cảnh giác với bệnh sau mưa lũ

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai, lũ lụt, nguồn lương thực, thực phẩm luôn thiếu hụt, cuộc sống rất khó khăn bởi vậy, theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cần sử dụng đa dạng các thức ăn như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để đảm bảo bữa ăn no, tăng sức đề kháng phòng tránh bệnh tật.


Cán bộ y tế hướng dẫn người dân lọc nước sạch

Sử dụng thức ăn và nguồn nước an toàn

Sau lũ thường có nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tả, lỵ, thương hàn, cúm A(H5N1), (H1N1) và các bệnh ngoài da là rất lớn. Bên cạnh việc tích cực bám sát công tác khử trùng, xử lý môi trường sau lũ, ngành Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần có ý thức trong ăn uống, sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình mình. 
Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai, lũ lụt, nguồn lương thực, thực phẩm luôn thiếu hụt, cuộc sống rất khó khăn bởi vậy, theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cần sử dụng đa dạng các thức ăn như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để đảm bảo bữa ăn no, tăng sức đề kháng phòng tránh bệnh tật.

Ăn đủ dinh dưỡng với nhóm chất đạm: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc.... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước, như cá, tôm, lươn, ốc, ếch... Và bổ sung nhóm vitamin và chất khoáng với các loại rau xanh, quả chín, có thể tận dụng được ở ngay địa phương. Nhưng lưu ý, cần tránh những loại rau bị giập nát, hư hỏng, chọn các loại phủ tạng, thịt và thủy sản còn tươi; các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn nên lưu ý hạn sử dụng và không sử dụng các loại thực phẩm khô đã mốc.

Một điều đặc biệt quan trọng đó là nguồn nước sau mưa lũ thường bị ô nhiễm do nước sông, suối lẫn với rác thải, bùn đất, đặc biệt là chất bẩn của công trình vệ sinh, xác động thực vật có vô vàn các loại vi sinh vật gây bệnh gồm vi khuẩn, virut và ký sinh trùng. Vi khuẩn gây bệnh đường ruột, nhất là gây bệnh tiêu chảy chủ yếu do các loại vi khuẩn đường ruột gây ra như vi khuẩn thương hàn, E.coli, lỵ trực khuẩn, Campylobacter, Proteus, Enterobacter và đặc biệt là vi khuẩn tả. Đối với ký sinh trùng thì rất dễ gặp phải bệnh lỵ amíp và các bệnh giun sán. Đồng thời bão, lụt cũng làm cho người dân sẽ thiếu thốn về nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt cho nên khi dùng nước đã bị nhiễm bẩn nguy cơ cao mắc bệnh đường ruột, bệnh đau mắt đỏ, bệnh sốt vàng da chảy máu (bệnh Leptospira) và nhiều loại bệnh khác.

Theo PSG, TS Việt Bắc (ĐH Y Hà Nội), bà con cần phải tuân thủ nghiêm quy trình làm sạch nguồn nước để có nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, các vùng, miền chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi. Nếu dùng nước ao, hồ, sông, suối cần được làm trong và khử trùng trước khi sử dụng. Để làm trong nước, lấy một cục phèn chua bằng nửa đốt ngón tay (khoảng 1g) cho vào một gáo nước làm tan phèn rồi đổ gáo nước đó vào một xô nước khoảng 25 lít, khuấy thật đều, chờ khoảng 30 phút để lắng cặn, gạn lấy phần nước trong ở phía trên và tiếp tục khử khuẩn. 

Việc khử khuẩn được ngành y tế khuyến cáo là nên dùng cloramin B hoặc cloramin T, vì các loại hóa chất này thông dụng, dễ mua, rẻ tiền (có nhiều nơi do cơ quan y tế địa phương cung cấp). Trước tiên cho 1 viên cloramin B có hàm lượng 0,25g vào một gáo nước làm tan hết rồi đổ gáo nước có cloramin B vào xô nước (25 lít) đã được làm trong. Nếu không có viên cloramin B thì có thể dùng loại bột cloramin B hoặc cloramin T. Nếu dùng loại bột thì chỉ cần 1/3 thìa canh có thể dùng để khử trùng cho 300 lít nước sau khi nước đã làm trong bằng phèn chua. Nước đã được khử khuẩn bằng cloramin B có thể dùng trong sinh hoạt như nấu cơm, đun nước để uống và nấu thực phẩm.

Nước sạch là nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ và nước đun sôi để nguội cũng chỉ sử dụng trong vòng 24giờ. 

Những bệnh dễ mắc và biện pháp phòng tránh

Sau lũ một số dịch bệnh cũng rất dễ có khả năng bùng phát đó là viêm da, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đường tiêu hóa…Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó GĐ BV Da liễu Hà Nội, người dân sống trong vùng mưa lũ cần có kiến thức phòng chống một số bệnh ngoài da như nấm, ghẻ, viêm da, nhiễm ký sinh trùng trên da. Bệnh về da, niêm mạc miệng do tiếp xúc trực tiếp với nước, đất, bùn chứa vi khuẩn gây bệnh.  "Khi tiếp xúc trực tiếp với nước ô nhiễm, người dân thường mắc một số bệnh, như vết thương hở gây nhiễm trùng, nhiễm độc trên da, viêm da, bệnh về tai mũi họng, đau mắt. Ngoài ra các bệnh đường tiêu hóa, sốt xuất huyết cũng dễ xuất hiện trong và sau mưa lũ” - BS Quang lưu ý. Bởi vậy, nếu có hiện tượng của các bệnh như viêm da, đau mắt đỏ, tai mũi họng, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lây lan ra cộng đồng. 

Ngoài ra bệnh tiêu chảy do virus rotavirut - loại virut đường ruột phổ biến cũng thường xuất hiện ở vùng lũ. Các tác nhân gây tiêu chảy thường truyền bằng đường phân - miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm rotavirut càng cao và mắc bệnh càng nặng. Trẻ bị nhiễm virut do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh cá nhân kém; do thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến hoặc đồ ăn thức uống không được bảo quản, đậy kỹ trong chạn, lồng bàn để chuột, ruồi, muỗi, kiến, gián,… bò vào là nguồn lây nhiễm virut gây bệnh.

Biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp do rotavirut là trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần,  bị mất nước, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện cao hơn và tình trạng nặng hơn so với các trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân khác. Bởi vậy ngành y tế khuyến cáo, khi trẻ bắt đầu có biểu hiện nôn hoặc tiêu chảy cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và có hướng dẫn điều trị kịp thời.

Cục Y tế- Dự phòng cũng đã có công văn chỉ đạo các tỉnh vùng lũ thực hiện các biện pháp giảm thiểu dịch bệnh. Cụ thể, cán bộ y tế cần hướng dẫn nhân dân các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân, xử lý rác thải, xác súc vật chết. Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực đã từng bị ngập lụt; duy trì thường trực đội cơ động chống dịch 24/24 giờ sẵn sàng xử lý khi có ổ dịch xảy ra. 
Nguồn tin: daidoanket.vn
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2024, bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814