18/10/2012 | 12:46:30 PM

Chấn thương lệ đạo

Chấn thương lệ đạo là bệnh khá phổ biến trong các chấn thương về mắt. Nếu không được chữa trị kịp thời và điều trị hiệu quả bệnh sẽ tiến triển gây viêm nhiễm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có thể gây mù loà...
Chấn thương lệ đạo không hiếm gặp. Gần như ngày nào cũng có người bị tai nạn đứt lệ đạo đơn thuần hoặc phối hợp với các tổn thương khác đến cấp cứu tại bệnh viện Mắt Trung ương. Hệ thống lệ (lệ bộ) bao gồm: tuyến lệ, đường dẫn lưu nước mắt. Đường dẫn lưu nước mắt khá dài, thế nhưng chấn thương lại hay tấn công vào lệ quản, với lý do lệ quản gồm 2 ống nhỏ nằm ở mi trên và dưới, không được thành xương che chở. Lệ quản nằm trong chiều dầy của mi, bộ phận che chở nhãn cầu nên hay chịu tổn thương cùng với mi. Lệ quản di động trước khi cố định tương đối vào máng lệ, một cấu trúc xương, do đó hay bị đứt trước các chấn thương giằng xé và di lệch mi.

Các triệu chứng

Chấn thương lệ đạo tùy theo dạng đơn thuần hay phối hợp sẽ có các triệu chứng như sau:

- Chảy máu: các vết thương mắt hay vùng đầu mặt nói chung sẽ chảy máu khá nhiều do tính chất mạch nuôi, vòng nối tuần hoàn phong phú.

- Biến dạng giải phẫu: tùy tác nhân sang chấn, độ trầm trọng của chấn thương như: mi mắt bị gián đoạn, rách nát, đứt rời, mất tổ chức, di lệch giải phẫu... Đường lệ bị gián đoạn hay mất một đoạn, có thể làm giảm hay mất khả năng dẫn lưu nước mắt, triệu chứng sẽ là chảy nước mắt; Chấn thương hốc mắt gây phòi cơ, mỡ trong hốc mắt ra ngoài, di lệch xương hốc mắt gây biến dạng và mất cân đối vùng mặt. Cảm giác của bệnh nhân có thể là: tê bì, dị cảm vùng quanh mắt tổn thương, song thị do kẹt cơ vận nhãn vào vùng vỡ của hốc mắt, mắt bị lồi ra hay thụt vào so với mắt bên kia.

- Nếu có chấn thương nhãn cầu phối hợp thì càng nặng nề hơn, mắt mờ, chảy máu nhiều hơn, phòi các tổ chức nội nhãn, nhiều biến chứng và di chứng hơn, tỷ lệ mù loà cũng cao tương ứng.

- Toàn thân: Đa chấn thương, chấn thương sọ - mặt đi kèm không phải là hiếm. Trong hoàn cảnh đó sẽ có các dấu hiệu đe dọa tính mạng, hôn mê, shock... Vỡ xương chính mũi làm chảy máu mũi ồ ạt thường kèm theo vỡ ngách lệ mũi, gây di chứng tắc lệ đạo đoạn trong xương mũi.

- Bỏng da mi, mặt hay toàn thân: hiếm gặp hơn như bỏng kim loại nóng chảy, nổ bình ắc-quy, nổ cầu chì...

Nguyên nhân gây chấn thương lệ đạo

Đa phần gặp ở nam giới, tuổi thanh niên hoặc trung niên. Các nguyên nhân rất đa dạng như tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt (chiếm 70%), tai nạn giao thông (25%), ngoài ra còn gặp tai nạn do hỏa khí  (5%).

Chấn thương mi hay đi kèm với chấn thương lệ đạo nhất bởi lẽ mi mắt như một người lính gác cổng cho cơ quan thị giác, mọi tác nhân sang chấn hay tác nhân gây bệnh đều đi qua mi rồi mới xâm nhập được vào nhãn cầu. Rất nhiều trường hợp may mắn nhờ có mi và động tác nhắm mi (một phản xạ bảo vệ rất có lợi) mà con mắt được bảo toàn, cũng có những trường hợp cả mi và nhãn cầu đều tổn hại do tác nhân sang chấn quá mạnh. Nhẹ thì mi cũng sây sát bầm máu, nặng hơn thì đứt đoạn rách nát. Chấn thương nhổ mi mắt ra khỏi chỗ bám của nó rất hay kèm theo đứt lệ quản, thường gặp trong những chấn thương mi nặng do trâu húc, chó cắn.

Hậu quả và di chứng

Chấn thương vào phần nào của phần phụ nhãn cầu cũng có những hậu quả, biến chứng  và di chứng của nó.

Mi mắt có chức năng che chắn, bảo vệ nhãn cầu, giàn nước mắt trên bề mặt nhãn cầu và thẩm mỹ... do đó tổn thương mi có thể gây sẹo xấu, hở mi, hếch mi ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nhãn cầu không được mi che chắn có thể  bị khô, loét, viêm nhiễm... gây mù loà về sau.

Hệ thống dẫn nước mắt nếu bị cắt đứt sẽ gây chảy nước mắt kéo dài, phiền toái cho bệnh nhân, xấu về thẩm mỹ. Đã đành thừa nước mắt còn hơn là thiếu nước mắt nhưng chảy nước mắt liên tục làm bệnh nhân rất ngại ra chỗ đông người, việc chấm chùi liên tục có thể làm viêm da mi, lật mi. Biến loạn của phim nước mắt do lệ đạo bị nghẽn tắc cũng làm thay đổi khúc xạ giác mạc, gây ảnh hưởng đến thị giác ban đêm, điều khiển phương tiện giao thông khó khăn.

Nếu hốc mắt bị gãy, vỡ, lún gây biến dạng trầm trọng cho vẻ cân đối của khuôn mặt, gây kẹt thần kinh, cơ, mạch máu vào chỗ vỡ... ảnh hưởng đến chức năng mắt. Nhẹ thì mắt có thể bị lác hay nhìn đôi (song thị), mắt có thể bị lún vào sâu hay lồi ra, có thể vỡ kẹt vào vị trí nứt xương... rất nguy hiểm cho nhãn cầu. Đáng sợ nhất là mù loà do tổn hại thần kinh mắt đoạn sau nhãn cầu. Chấn thương phần phụ nhãn cầu nếu kèm theo vỡ nhãn cầu hay dị vật... thì các tổn thương càng nghiêm trọng hơn, xử lý phức tạp hơn, khả năng mù loà cũng cao hơn.

Ðiều trị và phòng như thế nào?

Các chấn thương lệ đạo thường gây chảy máu nhiều nên việc băng bó, sơ cứu hay khâu cầm máu khá quan trọng, tránh để shock do mất máu. Tuy nhiên nếu có vết thương thủng hay vỡ nhãn cầu thì ta không nên băng ép, các tổ chức nội nhãn sẽ phòi ra hết. Nên băng che hoặc dùng khiên bảo vệ mắt có lỗ sẽ tiện lợi hơn. Giảm đau tốt cho bệnh nhân, dùng kháng sinh liều đầu và phổ rộng, tiêm uốn ván nếu cần thiết...

Khâu phục hồi giải phẫu mi, nối lệ quản có đặt ống silicone qua một hoặc 2 lệ quản không phải là kỹ thuật quá khó nhưng phải được tiến hành trong môi trường chuyên khoa chấn thương chỉnh hình chuyên khoa mắt.  Bệnh nhân nên được khám lại, cắt chỉ, rút ống ở các cơ sở chuyên khoa mắt để bảo lưu được kết quả phẫu thuật.

Các phương tiện và kỹ thuật mổ mới như: tube John, ống Mono-K, kỹ thuật mổ lệ đạo nội soi có đèn laser dẫn đường hứa hẹn sẽ giúp thêm nhiều bệnh nhân khỏi phải chảy nước mắt kéo dài.

Hạn chế chấn thương lệ đạo hay bất cứ loại chấn thương gì cũng cần nói ngay đến ý thức tự đề phòng tai nạn của mọi người. Phải trang bị các phương tiện bảo hộ lao động như mũ bảo hiểm, kính bảo hộ, hệ thống che chắn của máy móc. Việc đeo kính bảo hộ khi lao động, kính trắng khi đi đường hạn chế tai nạn hay giảm bớt tính nghiêm trọng của tai nạn khá nhiều.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814