28/9/2012 | 7:36:59 AM

Chất độc hại trong đồ chơi: Hại đến cỡ nào?

Hiện nay, trên thị trường tràn ngập các loại đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, đồ chơi vượt biên không đăng kiểm và không đăng ký chất lượng. Nhiều bậc cha mẹ đặt ra câu hỏi là liệu cho trẻ em chơi đồ chơi thì có độc hại không? Có cần thiết phải mua đồ chơi cho con trẻ đã qua đăng kiểm không?
Câu trả lời là “hai có”. Có thứ nhất là trẻ em hoàn toàn có thể bị nhiễm độc qua đồ chơi độc hại. Có thứ hai là nhất thiết phải mua đồ chơi cho con trẻ qua hệ thống đăng kiểm.

Điều này là cần thiết vì con trẻ hoàn toàn có thể bị nhiều tác hại do đồ chơi thông qua bàn tay chúng gây ra. Chưa bàn tới tác động tiêu cực về tâm lý, xã hội hay sự phát triển thể chất tinh thần, chỉ nhìn ở góc độ cơ thể bị nhiễm độc từ các hóa chất độc hại đã đủ thấy cần phải lựa chọn đồ chơi kỹ càng đến cỡ nào.

Để hiểu được đồ chơi gây độc như nào, chúng ta phải hiểu được nguyên liệu cấu tạo ra nó. Đa phần các đồ chơi trẻ em được làm từ nhựa, một số đồ chơi được làm từ cao su, từ thủy tinh không vỡ, từ sành, sứ, gốm. Có một số ít đồ chơi được làm từ kim loại như mắt của con búp bê hay thìa xúc canh đồ chơi có thể được tráng kim loại. Không những thế, chúng còn được phủ bên ngoài bằng một lớp sơn, màu, vecni, mực in, polyme. Tất cả các nguyên vật liệu và chất tạo màu này đều chứa các chất độc hại. Chúng có thể phai ra, thôi nhiễm vào cơ thể. Chúng ta có thể nhìn bằng mắt thường từng lớp phẩm màu thôi ra tay, ra miệng con trẻ khi chúng mút, liếm đồ chơi. Sự “đi ra” quá dễ dàng của các nguyên tố độc hại từ đồ chơi không đạt chuẩn là nguồn cơn gây ra nhiễm độc.

Những chất gì gây độc?

Ở mức độ cấp tính, nhiễm độc không xảy ra, tức là bà mẹ có thể không thấy đứa trẻ bị viêm não ngay. Nhưng ở mức độ tác động kéo dài, đứa trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả từ những món đồ chơi lúc bé. Ví dụ như khi đến tuổi trưởng thành, bé có thể bị suy giảm trí tuệ so với bạn đồng trang lứa, thận bé có thể bị teo lại và đáng sợ hơn là bị ung thư ngay từ khi còn rất trẻ, lứa tuổi còn đang sung sức nhất.     

Xét về mặt hóa chất, con trẻ có thể bị nhiễm độc từ các yếu tố thôi nhiễm nguy hiểm. Các yếu tố này chính là các nguyên tố cấu tạo nên vật liệu nhựa, thủy tinh, kim loại, phẩm màu. Chúng bao gồm 10 nguyên tố nguy hiểm: Stibium (Sb), Asen (As), Bari (Ba), Cadimi (Cd), Crom (Cr), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg), Selen (Se), Clo (Cl) và Lưu huỳnh (S). Đây là những nguyên tố cần phải xem xét đầu tiên và cơ bản nhất khi kiểm định tính an toàn độc hại hóa học của đồ chơi trẻ em. Ngoài ra, còn cần cảnh giác với fomaldehyde trong các sản phẩm nhựa.

Những nguyên tố này, khi thôi ra, chúng có thể gây độc hại. Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mạn tính với sự phát triển âm thầm. Chúng có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày... Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.

Tùy vào nguyên tố thôi nhiễm, tùy vào lượng chất thôi nhiễm là bao nhiêu mà trẻ em có thể bị nhiễm độc với các biểu hiện và các mức độ khác nhau. Không phải tất cả các trẻ em chơi đồ chơi thiếu an toàn đều có thể bị nhiễm độc như trên, không phải mọi nhiễm độc hóa học từ đồ chơi đều có đầy đủ các bệnh trạng như trên nhưng đó là những dấu hiệu và bệnh lý có thể gặp.

Ở giai đoạn đầu, trẻ có thể có một số biểu hiện rối loạn nhất định như quấy khóc, chán ăn, bỏ ăn, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, hay nôn trớ, hay bị rối loạn tiêu hóa.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam, nồng độ tối đa của các chất thôi nhiễm chỉ được nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, tính theo đơn vị là mg/kg đồ chơi thì Sb tối đa là 60, As là 25, Ba là100, Cd là 75, Cr là 60, Pb là 90, Hg là 60, Se là 500. Các đồ chơi mô phỏng thực phẩm như hoa, lá, quả, con vật là những đồ chơi trẻ có thể mút, liếm lại càng phải cảnh giác.

 Cần thận trọng khi chọn đồ chơi cho con trẻ.     Ảnh: Tuấn Anh

Chọn đồ chơi thế nào?

Trước những tác hại hóa học kể trên, lựa chọn đồ chơi an toàn là rất cần thiết. Đây chính là lựa chọn thông minh cho con trẻ. Bạn có thể bỏ ra một số tiền lớn hơn để mua những đồ chơi đạt chuẩn cho trẻ nhưng lợi ích tương lai con bạn thu được thì lớn hơn thế nhiều.

Với Việt Nam, các đồ chơi trẻ em đạt chuẩn là những đồ chơi được gắn nhãn có hai chữ CR của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các đồ chơi này đã được kiểm định an toàn về nhiều mặt, trong đó có sự thôi nhiễm của các yếu tố hóa học.

Khi lựa chọn đồ chơi, chúng ta đặc biệt chú ý tới nhóm đồ chơi dễ gây độc. Đó là những đồ chơi con trẻ có thể mút, liếm, cầm, nắm. Những đồ chơi này dễ gây độc qua đường tiêu hóa và da. Cần tuyệt đối tránh những đồ chơi quá dễ phai màu. Chẳng hạn chỉ dính một chút nước vào là màu xanh, đỏ phai ra lòe loẹt, đây chính là đồ chơi dễ gây nhiễm độc. Những đồ chơi có mùi lạ như mùi nhựa cháy, mùi mốc, mùi khét là những đồ chơi thiếu an toàn, cần tránh xa.

Khi trông trẻ, cần chú ý hạn chế không cho trẻ mút đồ chơi, nhớ vệ sinh đồ chơi sạch sẽ trước khi cho trẻ tiếp xúc. Và tất nhiên, bạn còn cần làm nhiều việc khác nữa để đảm bảo an toàn, tăng trí thông minh cho trẻ.  

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814