21/7/2012 | 6:33:29 PM

Chữa bệnh bạch biến có dễ?

Bạch biến là tình trạng mất sắc tố làm da trắng hoàn toàn thành từng đốm, từng mảng khu trú hoặc rải rác toàn thân, do các tế bào sắc tố bị tiêu hủy và biến mất. Bệnh chiếm khoảng 1% dân số, gặp cả 2 giới nhưng có xu hướng nữ nhiều hơn nam. Bệnh có thể bắt đầu ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng hay gặp ở tuổi trẻ.

Vì sao bạch biến?

Xuất hiện bệnh trước 20 tuổi chiếm 50%. Cho đến nay, người ta vẫn chưa bết rõ được nguyên nhân gây bệnh. Có 3 giả thuyết được coi là tham gia vào cơ chế sinh bệnh bạch biến:

Thuyết tự miễn: có thể do rối loạn đáp ứng miễn dịch làm xuất hiện một số tế bào lympho hoạt hóa phá hủy một cách chọn lọc tế bào sắc tố. Nhưng cơ chế gây hoạt hóa các tế bào lympho này thì người ta không giải thích được.

Thuyết thần kinh: dựa vào sự tương tác của tế bào sắc tố và tế bào thần kinh.

Thuyết tự phá hủy: người ta cho rằng tế bào sắc tố tự phá hủy bởi chất độc được tạo ra trong quá trình tổng hợp sắc tố bình thường.

Liên quan đến gia đình (di truyền): nghiên cứu trong gia đình người bị bạch biến, khoảng 30% bệnh nhân thấy trong gia đình cũng có người thân bị bạch biến.

Các yếu tố khác: sang chấn tâm lý, tác động của hoá chất, rối loạn chức năng một số phủ tạng… có thể cũng là những điều kiện thuận lợi để xuất hiện thương tổn bạch biến.

 Tổn thương bạch biến

Biểu hiện bệnh

Thương tổn bệnh bạch biến đặc trưng là những mảng da màu trắng sữa, rải rác khắp cơ thể, có hình dạng và kích thước khác nhau. Bờ thương tổn giới hạn rõ, thường ngoằn ngoèo không đều, đôi khi có màu sẫm hơn. Soi đèn Wood sẽ thấy da thương tổn bị mất melanin. Mặt thương tổn bằng phẳng với da lành, không có vảy, không thâm nhiễm, không dày sừng, không teo da, có thể trắng đều hoặc còn những chấm màu nâu.

Khởi đầu có thể thấy một hoặc nhiều thương tổn, thường khu trú ở những vùng hở. Khi có nhiều thương tổn thì thường được phân bố ở cả hai bên cơ thể, đôi khi có tính chất đối xứng. Kích thước thương tổn lúc đầu nhỏ dạng chấm trắng, sau đó liên kết lại với nhau thành đám, thành mảng lớn. Lông, tóc tại vùng bị bệnh thường cũng có màu trắng.

Vị trí thương tổn hay gặp ở một số vùng da của cơ thể như: vùng da bình thường có tăng sắc tố (hố nách, cơ quan sinh dục ngoài), vùng hở tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, vùng quanh các hốc tự nhiên, chỗ xương lồi ra (đầu gối, mào xương chày, mắt cá, gai chậu, quanh các nốt ruồi, bớt, vùng da thường xuyên bị cọ xát (quai áo lót, thắt lưng, vết bỏng) gọi là hiện tượng Köbner. Thương tổn ở niêm mạc, lòng bàn tay, bàn chân hay gặp ở người có màu da đậm. Có thể gặp thương tổn ở da đầu nhưng được che lấp bằng một đám tóc trắng.

 Tiến triển của bệnh không theo quy luật, thường mạn tính dai dẳng trong nhiều năm, có những đợt tăng lên vào mùa hè và giảm đi vào mùa đông. Khoảng 15-30% bệnh nhân bệnh khỏi.

Trị bệnh bạch biến

Mục tiêu điều trị chủ yếu là nhằm cải thiện hình thức, khôi phục màu da bị tổn thương hoặc làm cho da có màu đồng đều bằng cách phá hủy sắc tố còn lại. Thời gian điều trị thường lâu, kéo dài từ 6 tháng đến một năm hoặc nhiều năm. Vì vậy, người bệnh phải kiên trì phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để điều trị.

Các phương pháp điều trị bệnh bạch biến hiện nay gồm: dùng thuốc toàn thân hay tại chỗ phối hợp với trị liệu ánh sáng, phẫu thuật ghép da, cấy tế bào sắc tố và các liệu pháp phối hợp (được sử dụng cùng với phương pháp điều trị phẫu thuật hoặc thuốc):

Corticoid: dùng tại chỗ có tác dụng phục hồi lại sắc tố cho da, đặc biệt được sử dụng ngay khi bệnh mới xuất hiện. Tuy nhiên, khi sử dụng các corticoid tại chỗ lâu dài có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Corticoid tại chỗ có thể sử dụng phối hợp với psoralen (Meladinine) tại chỗ sẽ phát huy được tác dụng hiệp đồng và hạn chế được tác dụng không mong muốn của mỗi loại thuốc khi dùng đơn độc. Một số công trình nghiên cứu sử dụng corticoid toàn thân liều thấp phối hợp với bôi meladinine cũng thấy có kết quả.

Psoralen: là một loại thuốc có tính chất cảm quang, được sử dụng phổ biến và có hiệu quả điều trị bệnh bạch biến và một số bệnh da khác. Psoralen có dạng bôi và dạng uống. Tùy theo mức độ của của thương tổn có thể dùng bôi hoặc uống hoặc phối hợp với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là phối hợp với phơi nắng mặt trời hoặc chiếu tia cực tím, được gọi là trị liệu psoralen kết hợp với tia cực tím bước sóng A (PUVA).

 Trị liệu PUVA: sau khi uống hoặc bôi psoralen thì phơi nắng mặt trời hoặc chiếu tia cực tím A (UVA) theo một chỉ định về thời gian hết sức nghiêm ngặt và được thầy thuốc theo dõi chặt chẽ để đề phòng những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Uống psoralen kết hợp với chiếu tia cực tím A thường được sử dụng cho những bệnh nhân có diện thương tổn rộng (hơn 20% diện tích cơ thể) hoặc cho những người không đáp ứng với liệu pháp PUVA tại chỗ. Psoralen đường uống không nên dùng cho trẻ em dưới 10 tuổi bởi vì nó làm tăng nguy cơ tổn thương mắt như đục thủy tinh thể. Đối với trị PUVA uống thì phải uống psoralen khoảng 2 giờ trước phơi nắng mặt trời hoặc chiếu UVA, điều trị hai hoặc ba lần một tuần, không bao giờ điều trị 2 ngày liên tiếp.

Tác dụng không mong muốn của psoralen đường uống là gây cháy nắng, buồn nôn và nôn, ngứa, tóc tăng trưởng bất thường và tăng sắc tố. Liệu pháp PUVA cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da, mặc dù nguy cơ là tối thiểu ở liều sử dụng cho bạch biến.

Tacrolimus (Talimus, Rocimus, Protopic): thuốc bôi thuộc nhóm ức chế bơm canxi. Thuốc phát huy tác dụng điều trị bệnh bạch biến khi kết hợp với phơi nắng hoặc chiếu UVB.

Các thuốc điều trị tại chỗ khác: một số báo cáo cho thấy một số đồng đẳng của vitaminD3 (Daivonex) cũng có tác dụng điều trị bệnh bạch biến.

Làm mất sắc tố da: là sử dụng các phương pháp làm mờ phần da bình thường còn lại trên cơ thể để phù hợp với màu da ở vùng thương tổn đã bị trắng. Áp dụng cho những người bị bạch biến trên 50% diện tích da của cơ thể. Bôi kem 20% monobenzylether của hydroquinon (monobenzone) hai lần một ngày vào các vùng sắc tố cho đến khi chúng có màu phù hợp với màu da bệnh. Cần phải tránh tiếp xúc trực tiếp da với da của người khác ít nhất 2 giờ sau khi bôi thuốc. Bởi vì, thuốc có thể lan sang gây mất sắc tố da của họ. Tác dụng phụ chủ yếu của trị liệu mất sắc tố da là gây viêm da (tấy đỏ và sưng), có thể ngứa hoặc da khô. Trị liệu làm mất sắc tố có xu hướng tồn tại vĩnh viễn và không dễ phục hồi lại được. Ngoài ra, một số người sẽ bị bất thường nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Phẫu thuật: cắt bỏ thương tổn hoặc cấy ghép da tự thân. Tuy nhiên, điều trị phẫu thuật chỉ thực hiện được ở những cơ sở có đủ điều kiện về vật chất, trang thiết bị và có đội ngũ cán bộ y tế với trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong tương lai, việc nuôi cấy tế bào sắc tố da có thể được triển khai áp dụng để điều trị bệnh bạch biến. Hy vọng phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao.

Hóa trang: có thể sử dụng một số loại mỹ phẩm hoặc màu để ngụy trang những đám thương tổn bạch biến, một giải pháp tạm thời để giải quyết vấn đề thẩm mỹ khi cần thiết cho bệnh nhân.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh bạch biến. Nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm bằng những phương pháp phù hợp thì bệnh sẽ được cải thiện, nhiều trường hợp khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, khi điều trị bệnh nhân phải kiên trì, phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để theo dõi diễn biến của bệnh và phòng tránh những tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị. 


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814