28/11/2020 | 7:48:43 AM

Chuyên gia: Tiến độ không ảnh hưởng đến độ an toàn của COVID-19

FDA sẽ có dữ liệu an toàn trên hàng chục nghìn tình nguyện viên, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6.700 người đối với các loại vắcxin khác đã được cấp phép trong thập kỷ qua.

Chuyen gia: Tien do khong anh huong den do an toan cua COVID-19 hinh anh 1

Hình ảnh mô phỏng vắcxin phòng COVID-19 do Hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia y tế đang nỗ lực trấn an công chúng rằng những tiến bộ đột phá trong phát triển nhanh chóng vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến độ an toàn của chế phẩm này.

Giới chuyên gia đưa ra đánh giá trong bối cảnh những vắcxin tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang chuẩn bị được phê duyệt sử dụng khẩn cấp và các nhà sản xuất vắcxin chuẩn bị vận chuyển hàng triệu liều vắcxin tới những nước đặt hàng.

Một điểm quan trọng mà các chuyên gia y tế lưu ý là hầu hết tất cả tác dụng phụ của vắcxin xảy ra trong sáu tuần sau khi được chích ngừa.

Trong khi đó, những người tham gia cuộc thử nghiệm quy mô lớn đối với vắcxin của hai hãng dược Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) và vắcxin của công ty công nghệ sinh học Moderna-Viện Y tế quốc gia Mỹ được theo dõi trong hai tháng sau mũi tiêm thứ hai - một yêu cầu của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Hai loại vắcxin phòng COVID-19 tiên phong này dự kiến sẽ được nhà chức trách phê chuẩn để đưa vào sử dụng trong tháng 12 tới. Trong cuộc thử nghiệm vắcxin của Pfizer có tới 44.000 tình nguyện viên tham gia, trong khi con số này của Moderna là 30.000 tình nguyện viên.

Cho đến nay, khoảng một 50% số tình nguyện viên này đã được theo dõi ít nhất hai tháng. Điều này đồng nghĩa FDA sẽ có dữ liệu an toàn trên hàng chục nghìn người, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6.700 người đối với các loại vắcxin khác đã được cấp phép trong thập kỷ qua.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu Saad Omer nhấn mạnh trên thực tế, khoảng thời gian hai tháng đã đủ để đánh giá những tác dụng phụ xảy ra ở những người tiêm vắcxin.

Mặc dù thông thường, FDA yêu cầu việc theo dõi phải kéo dài sáu tháng. Tuy nhiên, nếu không có vấn đề nào xảy ra trong hai tháng đầu tiên, các tác dụng phụ rất hiếm xảy ra trong bốn tháng tiếp theo.

Trong khi đó, Giáo sư nhi khoa Grace Lee thuộc Đại học Stanford (Mỹ), thành viên của Ban cố vấn về vắcxin cho CDC, nhấn mạnh: "Tại thời điểm chúng ta đang sống trong đại dịch (COVID-19), chúng ta buộc phải nghĩ rằng không thể chờ đợi dữ liệu hoàn hảo dù muốn."

Cả Pfizer và Moderna đều nói rằng sau hai tháng kể từ khi tình nguyện viên được tiêm liều thứ hai, sẽ không có tác dụng phụ "nghiêm trọng" nào xảy ra - những tác dụng phụ đe dọa tính mạng con người, phải nhập viện, hoặc gây thương tật vĩnh viễn. Danh mục này bao gồm các phản ứng dị ứng nguy hiểm như sốc phản vệ, các vấn đề thần kinh và cả tử vong.

Tuy nhiên, những gì mà các chuyên gia hai hãng này quan sát được ở các tình nguyện viên là mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, đỏ và đau nơi vết chích, đặc biệt là sau liều thứ hai.

Những tác dụng phụ ở "cấp độ 3" này, theo thuật ngữ y tế, không đòi hỏi phải nhập viện cũng như chỉ xảy ra ở một vài phần trăm số tình nguyện viên và điều này được coi là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, FDA cho biết sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về các dữ liệu an toàn của vắcxin thay vì chỉ dựa vào những gì mà hai công ty trên công bố với báo giới.

Chuyen gia: Tien do khong anh huong den do an toan cua COVID-19 hinh anh 2

Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 8/11 vừa qua, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vắcxin ngừa COVID-19 do hãng cùng BioNTech phát triển cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Đúng một tuần sau, tập đoàn Moderna thông báo vắcxin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo.

Những thông tin tích cực về công tác phát triển và điều chế vắcxin phòng COVID-19 đã củng cố thêm hy vọng và quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Philippines lên kế hoạch tiêm vắcxin cho 70% dân số

Cùng ngày 26/11, đại diện Nhóm chuyên trách quốc gia về phòng chống COVID-19 của Philippines, ông Carlito Galvez cho biết chính phủ dự kiến trong vòng 3-5 năm sẽ tiêm chủng vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 cho 60%-70% người dân nước này. Theo ông Galvez, chính phủ chỉ có thể tiêm phòng cho 20-30 triệu người mỗi năm.

Theo ước tính, ban đầu có 73 tỷ peso (hơn 1,5 tỷ USD) chi cho hoạt động này sẽ được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cung cấp dưới hình thức cho vay tín dụng. Số tiền này không chỉ dùng để mua hai liều vắcxin bắt buộc cho mỗi người dân mà còn để trang trải các chi phí bổ sung.

Theo ông Galvez, Bộ Y tế Philippines cung cấp danh sách 35 triệu người là đối tượng ưu tiên tiêm vắcxin, trong đó có các nhân viên y tế, cảnh sát, quân nhân, nhân viên các cơ sở phúc lợi xã hội và giáo dục, cũng như các cơ quan chính phủ khác, người cao tuổi và người nghèo.

Ngoài ra, Nhóm chuyên trách quốc gia về phòng chống COVID-19 có kế hoạch phân phối vắcxin theo nguyên tắc vùng miền địa lý, đáng chú ý là những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch, gồm Manila, Calabarzon và Trung Luzon, cũng như các thành phố Cebu, Davao và Cagayan de Oro.

Chính phủ Philippines đang đàm phán với các chính phủ nước ngoài và các hãng dược phẩm về việc cung cấp vắcxin. Theo đó, Philippines đã thảo luận vấn đề cung cấp vắcxin phòng ngừa COVID-19 không chỉ với Nga, Trung Quốc, Mỹ và Anh, mà còn với cả Australia và Ấn Độ.

Hiện có năm hãng dược phẩm đã đăng ký thử nghiệm vắcxin phòng ngừa COVID-19 của họ trên người Philippines, gồm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển, các công ty Sinovac Biotec và Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc, Viện nghiên cứu mang tên Gamaleya của Nga và Johnson&Johnson của Mỹ.

Phân phối công bằng - Điều cần lưu tâm khi có vắcxin phòng COVID-19

Gần một năm sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất hiện, lây lan trên toàn cầu và cướp đi hơn 1,4 triệu sinh mạng, nỗ lực sản xuất vắcxin phòng bệnh đã có những đột phá trong tháng 11 với một loạt vắcxin đầy tiềm năng sắp được công bố.

Trong vài tuần tới, giới chức y tế các nước có thể sẽ cấp phép cho việc sử dụng vắcxin vì mục đích khẩn cấp, đồng nghĩa với việc thời gian phát triển vắcxin lần này ngắn hơn so với tất cả các lần bùng phát đại dịch trước đây.

Hiện nay, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết có thể sẽ cấp phép vắcxin COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Trên cơ sở này, Pháp, Tây Ban Nha và Italy đã bắt đầu lên kế hoạch tiêm chủng.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng dự kiến bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngay từ giữa tháng 12/2020 nếu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của nước này chấp thuận đẩy nhanh lịch trình triển khai tiêm vắcxin. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu tiêm vắcxin cho nhóm những bệnh nhân nguy cơ cao từ tháng Bảy vừa rồi, theo chương trình cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Chuyen gia: Tien do khong anh huong den do an toan cua COVID-19 hinh anh 3

Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Porto Alegre, miền nam Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch tác động đến mọi mặt của đời sống khiến yêu cầu nghiên cứu và phát triển vắcxin trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hàng loạt cơ quan nghiên cứu tư nhân và nhà nước nhận được những khoản vốn đầu tư khổng lồ và những đơn đặt hàng lên tới hàng tỷ liều.

Nhờ đó, thời gian sản xuất vắcxin COVID-19 lần này ngắn hơn rất nhiều so với trước đây, vốn thường mất ít nhất 10 năm để nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép, sản xuất và phân phối một loại vắcxin mới. Dù đẩy nhanh tiến độ nhưng các bên đều cam kết không đốt cháy giai đoạn và đảm bảo mọi bước đi vẫn được thực hiện với chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên, những kết quả đáng mừng này không có nghĩa là mọi người dân trên thế giới đều sẽ được sử dụng vắcxin ngay khi có một loại được cấp phép.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây nhận định rằng nguồn cung vắcxin COVID-19 ban đầu sẽ hạn chế, do đó cần ưu tiên nhân viên y tế, người già và những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Ông cũng khuyến cáo không nên để xảy ra tình trạng các quốc gia nghèo nhất phải chờ cho tới lượt mình sau khi tất cả những nước giàu đã nhận đủ hàng tỷ liều vắcxin đã đặt mua.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, việc thúc đẩy phân phối công bằng vắcxin cũng phải khẩn trương như khi nỗ lực phát triển vắcxin, tránh để các quốc gia nghèo bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua vắcxin./.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814