22/4/2019 | 3:39:27 AM

Có bao nhiêu loại ung thư?

Bạn có thể nghĩ "ung thư" là một bệnh, nhưng thực ra đó là một thuật ngữ chung cho nhiều loại ung thư. Dưới đây là cách các bác sĩ phân loại chúng.

Có bao nhiêu loại ung thư? - 1

Ung thư là căn bệnh chết người thứ hai ở Mỹ, sau bệnh tim, nhưng thuật ngữ “ung thư” thực tế đã gộp hơn 100 bệnh vào làm một. Tất cả các ung thư đều có nhiều điểm chung: Đột biến khiến các tế bào thay đổi và phát triển ngoài tầm kiểm soát, và thường gây ra bởi sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. Hầu hết mọi người phân biệt ung thư theo nơi chúng xuất hiện trong cơ thể, chẳng hạn như ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Nhưng có một cách khác để phân loại ung thư: Không chỉ theo nơi chúng xuất hiện, mà theo loại tế bào mà chúng tấn công. Cách phân loại này chia ung thư thành một số dạng phổ biến: Ung thư biểu mô, sarcoma, u hắc tố ác tính, u lympho và bệnh bạch cầu.

Tìm hiểu về cách thức hoạt động của ung thư có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này – một điều rất quan trọng vì ung thư sẽ tấn công 1/3 số người trong chúng ta.

Ung thư biểu mô (carcinoma)

Đây là loại ung thư bắt đầu từ các tế bào cấu tạo nên da hoặc các mô bao phủ các cơ quan nội tạng, cũng là dạng ung thư phổ biến nhất. Ung thư biểu mô chiếm 80 đến 90% số ca ung thư, theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.

Những ví dụ về ung thư biểu mô là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư thận. Người bệnh thường bị ung thư biểu mô ở các cơ quan hoặc các tuyến: Bạn có thể đã nghe thấy thuật ngữ ung thư biểu mô được sử dụng với ung thư biểu mô tế bào thận (ung thư thận), ung thư biểu mô nhú (ung thư tuyến giáp) hoặc ung thư biểu mô ống xâm lấn (ung thư vú).

Mặc dù tất cả các loại ung thư này đều khác nhau, nhưng chúng có những điểm tương đồng: Một số yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư: Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất, nhưng béo phì cũng không kém hơn nhiều.

Một nguy cơ không thể chối cãi và không thể tránh khỏi là tuổi già, và vì ung thư biểu mô là loại ung thư phổ biến nhất, nên nó cũng chịu trách nhiệm về hầu hết các trường hợp tử vong do ung thư.

Mặc dù triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào nơi ung thư xuất hiện, song ung thư biểu mô thường tạo thành khối u rắn và đầu tiên bạn có thể nhận thấy nó là một khối u. Ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy của da trông giống như những mảng đỏ, vết sưng, vết loét hoặc khối u “lạ” trên da.

Các triệu chứng sẽ tùy thuộc vào cơ quan bị bệnh và giai đoạn của bệnh; song ban đầu hầu hết các ung thư không gây ra triệu chứng. Đó là lý do tại sao sàng lọc thường rất quan trọng.Ngày nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư hơn bao giờ hết, nhưng chúng phải được điều chỉnh cho từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chính bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư, điều trị bằng thuốc, bao gồm hóa trị, giết chết các tế bào đang phân chia nhanh chóng và các liệu pháp trúng đích có thể tiêu diệt ung thư mang một số đột biến nhất định, thuốc nội tiết (đặc biệt hữu ích với ung thư vú) và liệu pháp miễn dịch, giải phóng khả năng của chính cơ thể để xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Sarcoma

Dạng ung thư này ít gặp hơn ung thư biểu mô và các loại ung thư khác. Sarcoma bắt đầu từ các tế bào tạo nên mô liên kết, nằm dưới hoặc giữa các mô bao phủ các cơ quan.

Các ví dụ là ung thư mỡ, cơ và mạch máu. Sarcoma được chia thành hai nhóm chính: Sarcoma xương và sarcoma mô mềm. Thật không may, sarcoma xương hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Vì nó nhắm vào những người trẻ, các nhà nghiên cứu không tin rằng các yếu tố lối sống ảnh hưởng đến nguy cơ; thay vào đó, ung thư có thể được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh của trẻ. Những người mắc một số bệnh hoặc hội chứng về xương hoặc hoặc những người đã điều trị tia xạ cũng có thể có nguy cơ cao hơn. Sarcoma xương xảy ra ở nam giới nhiều hơn một chút.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sarcoma xương là đau ở các chi, nhưng vì trẻ em hay bị u cục và bầm tím, nên các bác sĩ có thể bỏ sót chẩn đoán.

Có hơn 50 loại sarcoma mô mềm; một số hay gặp hơn ở trẻ em, một số khác hay xảy ra hơn ở người lớn. Sarcoma có thể bắt đầu ở tay hoặc chân, nhưng cũng có thể xảy ra ở vùng thân, đầu hoặc mặt sau ổ bụng. Các bác sĩ chưa biết nhưng yếu tố nguy cơ nào dẫn đến căn bệnh này -  lối sống có vẻ không đóng vai trò.

Đã điều trị tia xạ hoặc xét nghiệm dương tính đối với một số hội chứng di truyền có thể gây nguy cơ, nhưng thực sự không thể làm gì để ngăn ngừa căn bệnh này. Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào nơi khối u xuất hiện, nhưng chúng có thể bao gồm khối u ở chi, đau bụng, phân đen hoặc có máu, hoặc khó thở.Như với các bệnh ung thư khác, điều trị sarcoma bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị; nghiên cứu gần đây đã cho thấy triển vọng của một số liệu pháp miễn dịch trong điều trị sarcoma.

U hắc tố ác tính (melanoma)

U hắc tố ác tính là một trong những loại ung thư dễ phát hiện hơn, vì nó thường chỉ xuất hiện trên da. U hắc tố ác tính là dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào da có chứa sắc tố. Đó là lý do tại sao chúng thường có màu sẫm hoặc đen.

Đây là loại ung thư da nguy hiểm nhất: Mặc dù nó hiếm gặp hơn ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc tế bào vảy của da, u hắc tố ác tính dễ phát triển và di căn. Nó cũng chịu trách nhiệm cho hầu hết các trường hợp tử vong do ung thư da.Theo Hội Ung thư Mỹ, hầu hết các trường hợp u hắc tố ác tính là có thể phòng ngừa được.

Tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây u hắc tố ác tính. Nói cách khác, tránh giường tắm nắng, che chắn khi ra ngoài trời và thoa kem chống nắng. Người da trắng dễ bị u hắc tố ác tính hơn hơn do nước da sáng dễ bị ảnh hưởng bởi tia cực tím mặt trời.

Mặc dù u hắc tố ác tính dễ xảy ra hơn ở người lớn tuổi, nhưng nó vẫn là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trong nhóm tuổi dưới 30. Trước 50 tuổi, u hắc tố ác tính phổ biến hơn ở phụ nữ, nhưng đến tuổi 65, số nam giới mắc u hắc tố ác tính nhiều gấp đôi so với phụ nữ; ở tuổi 80, nam giới có tỷ lệ gấp ba lần phụ nữ.

Nhìn chung, u hắc tố ác tính là ung thư phổ biến thứ sáu.Phẫu thuật đơn thuần có thể chữa u hắc tố ác tính nếu được phát hiện sớm. Trong số những điều mà các bác sĩ da liễu muốn bạn biết về ung thư da, có lẽ quan trọng nhất là tự kiểm tra thường xuyên theo các chữ cái ABCDE: Tìm những nốt ruồi không đối xứng (A), có ranh giới không đều (B), chứa màu sắc khác nhau (C), đường kính lớn hơn cục tẩy bút chì (D) và thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc (E). Nếu nhận thấy bất cứ điều gì lạ, hãy hẹn gặp bác sĩ da liễu. Nếu u hắc tố ác tính đã lan rộng, điều trị có thể cần hóa trị, xạ trị, hoặc liệu pháp đích.

U lympho (Lymphoma)

Hai loại ung thư cuối cùng đều liên quan đến máu. U lymphoa và bệnh bạch cầu là những dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào bạch cầu. U lympho tấn công tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng.

Chúng là một phần của hệ bạch huyết, bao gồm các hạch bạch huyết và lách.Không giống như bệnh bạch cầu, u lympho tạo thành các khối rắn. U lympho được chia thành hai loại chính: U lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. U lympho Hodgkin ít gặp hơn nhiều và đặc trưng bởi sự hiện diện của một số tế bào bất thường gọi là tế bào Reed-Sternberg. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng phổ biến nhất là ở người trẻ từ 15 đến 35 tuổi, cũng như người cao tuổi. Đây cũng là bệnh ung thư phổ biến nhất ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 19.

Các yếu tố nguy cơ chính - chức năng miễn dịch thay đổi do rối loạn tự miễn, một số bệnh nhiễm trùng và thuốc ức chế miễn dịch (được sử dụng sau ghép tạng) - thực sự không thể phòng ngừa được.

U lympho không Hodgkin, một trong những dạng ung thư phổ biến nhất ở Mỹ, thường xảy ra ở người lớn tuổi, mặc dù trẻ em cũng có thể mắc. Béo phì có thể đóng một phần trong một số trường hợp, nhưng các yếu tố nguy cơ chính cũng tương tự như u lympho Hodgkin. Triệu chứng của cả hai loại bao gồm sưng hạch bạch huyết ở cổ, bẹn hoặc nách, sốt, mệt mỏi và chán ăn - có thể giống như bị cảm lạnh mãi không hết.

U lympho cũng là một trong những nguyên nhân bất ngờ gây đổ mồ hôi ban đêm. Phẫu thuật thường không phải là một lựa chọn - điều trị bao gồm hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp đích khác.

Bệnh bạch cầu (Leukemia)

Vì bệnh bạch cầu không hình thành nên khối u rắn, nên nó được coi là một dạng ung thư “lỏng”. Bệnh bạch cầu tấn công tủy xương và cũng trôi nổi tự do trong máu. Các thứ týp của bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến các loại tế bào máu khác nhau.

Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc bệnh là ở người lớn, bệnh bạch cầu cũng là loại ung thư phổ biến nhất mà trẻ em mắc phải: Khoảng 30% số ca bệnh ung thư ở trẻ em là bệnh bạch cầu. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ ở người lớn - có một số bằng chứng cho thấy cha mẹ nghiện thuốc lá trước và sau khi sinh có thể làm tăng nguy cơ ở đứa con. Béo phì cũng có thể là một nguy cơ đối với một số bệnh bạch cầu; phóng xạ và tiếp xúc với một số hóa chất cũng có thể làm tăng nguy cơ. Nhưng thông thường, bạn không thể làm được gì nhiều để ngăn ngừa bệnh bạch cầu.

Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, da nhợt nhạt, sụt cân, sốt, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, đau xương và nhiễm trùng. Cũng như với u lympho, hóa trị, xạ trị, ghép tế bào gốc và liệu pháp dích có thể được sử dụng để điều trị. Trong một bước đột phá gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp tế bào T CAR đặc biệt hiệu quả đối với một số trường hợp bệnh bạch cầu khó điều trị.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814