20/9/2012 | 11:47:18 AM

Coi chừng mạt trong chăn gối có thể gây sốt virus

Loài mạt làm tổ trong nhà khá nhiều nhưng chưa được người dân chú ý. Thậm chí có chủ nhà cho rằng mạt không gây bệnh hay cắn chết người nên không quan tâm.

Theo TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, mạt có thể mang virus và truyền từ người này sang người khác. Một số trường hợp sốt do virus được xác định nguyên nhân là do loài mạt.

Mạt có cả trong gối, chăn

Phóng viên đã có chuyến đi thực tế cùng TS Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư để xem xét về loài mạt làm tổ trong nhà dân trên khu vực phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Số nhà được khảo sát là 10 nhà, trong đó có 5 phòng là nhà trọ sinh viên và hộ gia đình, 3 nhà dân gần chợ, 2 nhà dân thuộc diện khang trang.

Kết quả cho thấy, 100%, tức 5/10 phòng trọ đều có sự xuất hiện của loài mạt. Mạt xuất hiện ở chiếu, giát giường, bàn học, khu nấu ăn... của sinh viên và hộ gia đình. Đặc biệt, có phòng dành cho sinh viên, chiếc chiếu bị mốc chứa rất nhiều tổ mạt. Khi đưa chiếu lên, mạt chạy tứ tung.

Khảo sát 3 nhà dân thuộc diện bình dân gần chợ Thanh Xuân Bắc thì cả 3 nhà đều có chứa con mạt. Điểm nổi bật của khu nhà này chính là sự ẩm ướt, gần chợ nên mức ô nhiễm cao. Đặc biệt, trong gia đình nuôi gà, chó, mèo, sự xuất hiện của loài mạt nhiều hơn. Trong số 3 nhà trên có 1 nhà TS Phạm Thị Khoa phát hiện mạt không chỉ có dưới chiếu mà còn có trong gối, chăn.

Còn 2 nhà dân thuộc diện khang trang, có 1 nhà có sự xuất hiện của loài mạt, còn 1 nhà dù xem ở giường, tủ bếp, nhà vệ sinh... đều không thấy mạt. Điểm khác nhau của 2 căn nhà này là nhà không có mạt được vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, giường chiếu được phơi nắng và giặt thường xuyên.

Theo TS Phạm Thị Khoa, cuộc khảo sát nhỏ này cho thấy loài mạt làm tổ trong nhà khá nhiều nhưng chưa được người dân chú ý. Đặc biệt là các căn phòng trọ của sinh viên và nhà dân có mức sống bình dân thì mọi người rất chủ quan, thậm chí có chủ nhà cho rằng mạt không gây bệnh hay cắn chết người nên không quan tâm!.

Mạt gây sốt virus

Theo thống kê của các nhà côn trùng học, trên thế giới có khoảng 2.000 loài mạt, riêng Việt Nam phát hiện khoảng 72 loài. Các loài như mạt bụi, mạt gà vịt, gia cầm... thì ghẻ cũng là một loài mạt. Mạt thường sống ở khu vực ẩm thấp, ô nhiễm. Vì thế, điều kiện miền Bắc mưa nhiều, cuối hè đầu thu là thời điểm mạt sinh sôi rất nhiều. Tương tự, thời tiết nồm cũng khiến loài này phát triển.

Mạt thường đẻ trứng, nở thành thiếu trùng và trưởng thành qua 2 - 3 lần lột xác. Mạt hút máu, ăn xác tế bào chết... Khi ở góc nhà chúng có thể hút máu chuột, gia cầm nuôi. Khi không có chuột hay gia cầm chúng có xu hướng tìm máu người để đốt.

Còn mạt bụi nhà, thường xuất hiện trong phòng ngủ, có kích thước nhỏ khoảng 0,3mm. Chúng có thể sống ở trên giường, gối, thảm... Thức ăn của loài mạt nhà là những mảnh vụn hữu cơ như vảy da, mảnh gàu tóc.

Theo các chuyên gia, khi hít phải bụi nhà với nhiều mạt ăn da, phân của mạt và nấm khiến nhiều người có phản ứng dị ứng như suyễn, viêm niêm mạc mũi. Đặc biệt khi quét dọn số lượng sản phẩm gây dị ứng bởi mạt càng cao có trong không khí. Vì thế, người có tiền sử viêm mũi phải cảnh giác để đeo khẩu trang.

"Ngoài ra, mạt còn mang virus và truyền từ người này sang người khác. Một số trường hợp sốt do virus được xác định nguyên nhân là do loài mạt. Virus này không thể diệt mà chỉ ức chế. Vì thế, khi bị sốt virus cần tăng sức đề kháng bằng cách uống vitamin, ăn hoa quả thì 3 - 5 ngày sẽ hết sốt", TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Đái Duy Ban, Viện Công nghệ sinh học, có thể phòng chống mạt và quần thể nấm bằng cách giảm độ ẩm trong phòng, cải thiện môi trường sống và làm giảm bớt bụi. Phòng ngủ nên có điều hòa nhiệt độ hoặc máy chống ẩm.

Thay giặt ga, gối, chăn thường xuyên để giảm thức ăn của loài mạt để giảm số lượng mạt. Hoặc hàng tuần nên phơi chăn, ga, gối ra nắng. Ánh nắng chứa tia cực tím sẽ tiêu diệt mạt. Tại các góc nhà, thảm cần vệ sinh sạch sẽ, có thể sử dụng dung dịch vệ sinh nhà cửa có chứa benzyl benzoat để diệt mạt...

Con mạt nhà có tên khoa học là acariens, thuộc họ nhện, kích thước rất nhỏ khoảng 1/4mm, mắt thường khó nhìn thấy được.

Mạt sống và phát triển ở nhiệt độ 25 - 30 độ C, độ ẩm khoảng 75 - 85% rất thuận lợi cho chúng sinh sản. Một con mạt nhà có thể cho ra 20 hạt phân mỗi ngày. Phân của mạt nhà rất nhỏ và nhẹ hơn bụi nhà nên mọi người dễ dàng hít vào trong phổi.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814