21/8/2012 | 4:56:32 PM

Côn trùng đốt - Chớ xem thường

Côn trùng đốt thường gây khó chịu với phản ứng ngứa ngáy dữ dội nơi bị cắn, nổi hồng ban sưng phù, tróc vẩy. Nặng hơn da có thể nổi mụn nước, bóng nước và các nốt dạng hạch. Phản ứng toàn thân khi bị côn trùng như ong, kiến đốt có thể gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Mùa hè nóng ẩm, côn trùng phát triển mạnh nên nguy cơ bị côn trùng cắn càng cao.

Côn trùng đốt gây dị ứng

Các loại côn trùng thường cắn đốt người là ruồi, muỗi, ong, kiến, nhện, ve, rết, bọ chét, bò cạp, rệp… Chúng còn là vật trung gian truyền nhiều loại bệnh dịch như sốt rét, sốt xuất huyết… Vết cắn của côn trùng ban đầu chỉ là vết thương rất nhỏ nhưng sau đó sẽ sưng to do phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với kháng nguyên từ lông, ngòi của côn trùng hay từ vết cắn gây ra. Phản ứng tức thì tại chỗ bị cắn là đau nhức, ngứa. Sau đó nổi các nốt sưng phù, sẩn ngứa, mụn nước trong vòng 48 giờ sau khi bị côn trùng đốt. Có khi tổn thương do độc tố đưa vào từ các vết đốt, vết cắn.

 Rửa tổn thương do côn trùng đốt bằng nước muối.

Biểu hiện vết cắn đốt của côn trùng, đỉa

Phòng tránh côn trùng cắn

Bạn có thể sử dụng phối hợp nhiều biện pháp sau đây để phòng tránh côn trùng cắn. Khi ngủ kể cả ban ngày cần mắc màn để chống muỗi cắn. Tại các nơi thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc cửa phải có lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão. Có thể dùng thuốc bôi chống muỗi để chống muỗi và các côn trùng khác.
Đi rừng cần mặc quần áo dài tay dài chân đeo giày, đội mũ che kín da thịt phòng ve, vắt và muỗi cắn. Khu vực cắm trại, nhà ở… cần xịt thuốc xua và diệt côn trùng. Hồ bơi cần được sát trùng bằng chlorine, mùi thuốc tẩy này giữ được côn trùng không dám tấn công người trong nhiều giờ. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để loại bỏ nơi trú ngụ của côn trùng. Phun  thuốc diệt côn trùng những bụi rậm, xung quanh khu dân cư.
Vết cắn, đốt (sau đây gọi chung là vết cắn) điển hình của côn trùng thường nổi các sẩn ngứa. Vị trí vết cắn tùy loại côn trùng: vết cắn của rệp giường thường ở cổ, thân mình; của ve thường ở cẳng chân; muỗi cắn thường ở mặt, tứ chi…Bệnh nhân có thể bị đau, nhức, ngứa nhiều ở vết cắn.

Nọc độc của một số loài như rết, nhện, bò cạp... có thể chứa chất độc thần kinh hoặc một men gây sưng phồng, kết tập tiểu cầu, huyết khối. Chúng có thể gây loét da, hoại tử da và phần mềm xung quanh vết cắn. Nọc côn trùng còn có thể gây triệu chứng toàn thân như: sốt, ớn lạnh, nôn, ban đỏ ngoài da, ngứa, vàng da, co cứng cơ, đau chuột rút, cứng cả một vùng, nhiễm khuẩn… Nếu nạn nhân bị nhiều con ong, kiến cắn có thể bị phù, mệt mỏi, nôn, ù tai, đông máu nội mạch rải rác, tiêu cơ vân, hoại tử ống thận cấp… Đỉa và vắt (thuộc họ đỉa) cắn thì gây mất máu.

Xử trí khi bị côn trùng, đỉa cắn

Khi bị côn trùng cắn, chúng ta phải xử lý như sau: Bệnh nhân cần nhận dạng chính xác loại côn trùng cắn để báo cho bác sĩ biết giúp ích rất lớn trong điều trị như quyết định sử dụng kháng sinh phòng bệnh dịch. 

Loại bỏ côn trùng bằng nhiều cách. Đập chết côn trùng như ruồi, muỗi đang đốt. Bắt côn trùng ra khỏi da. Côn trùng hút máu nhỏ thường có hàm răng rất cứng, bám vào da thịt rất chắc. Khi bắt chúng ra, thường ta chỉ bứt được thân hình của chúng, còn hàm răng vẫn còn bấu chặt vào da thịt của bệnh nhân. Hàm răng này có thể gây nhiễm khuẩn hoặc những biến chứng khác.
 
Do đó, bạn phải kéo chúng từ từ ra khỏi vết cắn. Nếu là đỉa cắn thì phải bôi vôi hoặc xà phòng vào miệng con đỉa nó mới nhả ra. Bạn có thể dùng một cây nhang đang cháy, một điếu thuốc đang cháy hơ vào côn trùng, sức nóng sẽ buộc chúng phải nhả vết cắn và rơi xuống đất. Bạn cũng có thể dùng các chất như cồn, xăng, dầu nóng... nhỏ một giọt vào côn trùng, vì những chất này có tác dụng chậm hơn lửa, nên bạn phải đợi khoảng 5 phút, chúng sẽ phải nhả vết cắn ra. Bạn có thể dùng nhíp, bấm móng tay để rút nọc ong ra khỏi da của bạn.
 Muỗi cắn vừa bị ngứa vừa có thể bị lây truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

Sát khuẩn vết đốt, vết cắn. Bạn cần rửa vết cắn của côn trùng bằng nước sạch. Tốt nhất là dùng vòi nước xịt có áp lực để rửa sạch vết bẩn, loại bớt vi khuẩn và các chất tiết của côn trùng. Rửa kỹ vết thương bằng xà phòng, sau đó lau cồn hoặc các thuốc sát khuẩn. Vết cắn phải được rửa càng sớm càng tốt, vì để quá 6 giờ nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Chú ý không bao giờ khâu kín vết cắn của côn trùng mà chỉ làm sạch, băng kín. 

Giảm ngứa, sưng, nổi mẩn vết cắn bằng cách dùng một cục nước đá đặt lên vết cắn chừng 5 phút. Dùng muối ăn trộn với ít nước cho sền sệt rồi thoa lên vết cắn. Nếu vết cắn của côn trùng chỉ là một vết đỏ, bạn có thể điều trị tại nhà, dùng nước muối sinh lý 9%o  hoặc nước vôi loãng chấm lên vết cắn ngày 3-4 lần, tránh kỳ cọ làm trợt da dễ nhiễm khuẩn.
 
Trường hợp vết cắn bị đau rát nhiều, bạn cần  đến khám và điều trị ở chuyên khoa da liễu. Bác sĩ có thể cho bạn dùng các loại thuốc như dung dịch yarish, dalibua, kháng sinh, hồ nước làm dịu da và vết cắn sẽ khỏi trong vòng  một tuần. Nếu vết cắn bị nhiễm khuẩn hóa mủ, bạn có thể bôi bằng các dung dịch thuốc sát khuẩn như eosine, milian, xanh metylen… sau đó đến khám và điều trị ở khoa da liễu bệnh viện. 

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814