12/5/2020 | 7:51:10 AM

Covid-19: 5 lý do để hy vọng

Tổng số ca nhiễm cũng như số người chết vì Covid-19 vẫn đang gia tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn đang rất nỗ lực để tìm hiểu, điều trị và ngăn chặn virus.

Những bằng chứng mới có thể mang đến hy vọng về việc điều trị và phòng ngừa Covid-19, nhưng chúng ta phải diễn giải các kết quả một cách thận trọng.

Các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng phát huy tác dụng

Các nhà nghiên cứu ở Hồng Kông đã đánh giá tác động của dịch bệnh đối với 43 bệnh viện công ở đây.

Những con số rất đáng phấn khởi: Trong 6 tuần đầu tiên kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, 413 nhân viên y tế đã xử lý 42 trường hợp được xác nhận Covid-19. Trong số những nhân viên này, 11 người đã tiếp xúc không được bảo vệ với virus corona mới.

Nhờ kết quả của việc thực hiện các biện pháp tốt nhất để kiểm soát nhiễm trùng, không một nhân viên y tế nào bị nhiễm virus trong thời gian nghiên cứu. Hơn nữa, không có nhiễm trùng bệnh viện xảy ra.

Tiến sĩ Vincent C.C. Cheng, Khoa Vi sinh tại Bệnh viện Queen Mary ở Hồng Kông, và các đồng nghiệp kết luận: “Các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện phù hợp có thể ngăn ngừa lây truyền virus corona mới liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Chú ý thực hành vệ sinh tay, đeo khẩu trang phẫu thuật trong bệnh viện và sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp trong chăm sóc bệnh nhân… là những biện pháp kiểm soát nhiễm trùng chủ yếu để ngăn chặn sự lây truyền virus trong bệnh viện”.

Nhiễm virus lần đầu có tác dụng bảo vệ chống tái nhiễm

Một nghiên cứu trên 4 con khỉ đã phát hiện ra rằng nhiễm SARS-CoV-2 - loại virus gây ra Covid-19 – sẽ bảo vệ chống lại tái nhiễm trong tương lai.

Các nhà khoa học đã tái nhiễm cho hai trong số bốn con khỉ bị nhiễm virus 28 ngày sau lần nhiễm ban đầu.

Tổng cộng đã có “96 mẫu bệnh phẩm tị hầu cho kết quả âm tính sau khi phơi nhiễm lại với SARS-CoV-2”, báo cáo của các nhà nghiên cứu nêu rõ. Việc gây chết và mổ kiểm tra một trong hai con khỉ đã xác nhận những kết quả này.

“Kết hợp với nhau, kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng nhiễm SARS-CoV-2 nguyên phát có thể bảo vệ khỏi những phơi nhiễm sau đó, có ý nghĩa quan trọng đối với thiết kế vắc-xin [và tiên lượng bệnh]”, các tác giả nghiên cứu kết luận.

GS Martin Bachmann, chuyên gia vắc-xin tại Viện Jen Jenner, Đại học Oxford, Anh, nói về Covid-19 và sự hình thành miễn dịch với virus.

“Tôi có thể nói rằng nếu bạn bị Covid-19 và thực sự bị ốm, thì tôi chắc chắn điều đó sẽ tạo ra phản ứng kháng thể kéo dài”.

“Tuy nhiên, nếu bạn có virus và nó chỉ nhân lên một chút và không bao giờ thực sự đến các hạch bạch huyết, thì có lẽ bạn không thực sự tạo ra một đáp ứng kháng thể, nhưng sau đó bạn không thực sự bị ốm. Trong số bất cứ ai bị ốm, tôi sẽ rất ngạc nhiên khi thấy có bất cứ ai không tạo ra đáp ứng kháng thể”.

Một vắc-xin đang được thử nghiệm, nhiều vắc-xin khác đang trong tiến trình

Một thử nghiệm hiện đang được tiến hành để thử nghiệm vắc-xin SARS-CoV-2 tiềm năng lần đầu tiên ở người.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã tài trợ cho thử nghiệm đang diễn ra tại Viện Nghiên cứu Y tế Kaiser Permanente Washington ở Seattle.

Trong thử nghiệm, 45 tình nguyện viên khỏe mạnh sẽ nhận được một vắc-xin có chứa một đoạn mã di truyền được sao chép từ SARS-CoV-2. Vì vắc-xin không chứa SARS-CoV-2 thực, nên những người tham gia sẽ không phát triển Covid-19.

Các chuyên gia cảnh báo rằng có thể phải mất 12 - 18 tháng trước khi vắc-xin được đưa ra thị trường và giải thích mục đích chính của thử nghiệm này là để đảm bảo rằng không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhiều nỗ lực khác đang được tiến hành để phát triển các loại vắc-xin mới.

Một phương pháp cũ có thể chống lại Covid-19

Các bác sĩ có thể sử dụng một phương pháp lâu đời có tên là liệu pháp kháng thể thụ động để điều trị Covid-19, gợi ý từ nghiên cứu đăng trên tờ The Journal of Clinical Investigation.

Các nhà nghiên cứu, tác giả của bài báo cho biết “việc triển khai biện pháp này không đòi hỏi phải nghiên cứu hay phát triển, vì phương pháp đã có từ những năm 1930”.

Phương pháp điều trị bao gồm lấy máu từ người đã bị nhiễm virus và đã khỏi bệnh. Sử dụng huyết tương - phần có chứa kháng thể chống nhiễm trùng - các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tiêm cho người khác, nhờ đó ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc giúp chống lại nó.

TS Arturo Casadevall, giảng viên tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, và là đồng tác giả của bài báo, nói: “Tất cả đều có thể thực hiện được - nhưng để thực hiện được, nó đòi hỏi nỗ lực, tổ chức, nguồn lực và những người đã khỏi bệnh có thể hiến máu”.

Hệ miễn dịch có thể đánh bại virus

Một nghiên cứu ca bệnh mới, đăng trên tạp chí Nature Medicine, ghi lại trường hợp bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục sau khi bị bệnh trong vòng vài ngày.

Bệnh nhân là một phụ nữ 47 tuổi bị nhiễm virus ở Vũ Hán, Trung Quốc và các nhà nghiên cứu đã kiểm tra đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân nhân nhằm tìm hiểu về sự phục hồi.

Giáo sư Kinda Kedzierska, Trưởng phòng thí nghiệm tế bào T của người thuộc Khoa Vi sinh và Miễn dịch học tại Viện Doherty ở Melbourne, Australia và các đồng nghiệp đã tìm thấy sự gia tăng immunoglobulin G - loại kháng thể phổ biến nhất - trong các mẫu máu của người phụ nữ này. Ngoài ra, họ đã tìm thấy sự gia tăng immunoglobulin M.

Các nhà khoa học cũng phát hiện một số lượng lớn các tế bào miễn dịch chủ chốt, chẳng hạn như tế bào T trợ giúp đặc hiệu, tế bào T diệt và tế bào B, 7 - 9 ngày sau khi triệu chứng khởi phát.

Đây là một bước tiến đáng kinh ngạc trong việc tìm hiểu điều gì chi phối sự phục hồi sau khi bị Covid-19. Mọi người có thể sử dụng các phương pháp của chúng tôi để tìm hiểu đáp ứng miễn dịch trong các nhóm Covid-19 lớn hơn và tìm hiểu điều gì bị thiếu ở những bệnh nhân bị tử vong”, GS Kinda Kedzierska nói.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814