9/9/2012 | 10:26:01 AM

Dấu hiệu đột quỵ và cách xử trí

Diễn tiến nhanh, khả năng tử vong cao, theo các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, chứng đột quỵ não vẫn có thể được phòng ngừa nếu người bệnh sớm nhận ra những dấu hiệu ban đầu và nhập viện kịp thời.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Tài, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, hai nguyên chính dẫn đến đột quỵ là nhồi máu não, tức mạch máu não bị tắc và xuất huyết não, tức mạch máu não bị vỡ. Khó khăn trong điều trị là người bệnh kém hiểu biết về bệnh và trì trệ nhập viện.

Mỗi ngày bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 15 đến 20 ca đột quỵ. Nhiều bệnh nhân bỏ qua những triệu chứng ban đầu hoặc nhập viện muộn. Ảnh minh họa: Thiên Chương

Bác sĩ Tài cảnh báo, những dấu hiệu ban đầu mà người bệnh cần nhận biết để cảnh giác là tê tay, líu lưỡi, khó nói, miệng bị giật méo, mắt mờ. "Các triệu chứng ban đầu thường phục hồi nhanh trong ngày nên người bệnh dễ bỏ qua. Nếu không khám, sau vài ba cơn triệu chứng nhẹ thì cơn nặng sẽ đến", bác sĩ Tài nói.

Để ngăn đột quỵ não nặng, bác sĩ Tài khuyên khi thấy các triệu chứng trên, bệnh nhân cần lập tức đến cơ sở y tế để được kiểm tra hệ thống mạch máu, chức năng tim mạch nhằm đưa ra hướng can thiệp kịp thời.

Một sai lầm khác là mọi người nghĩ rằng bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nên chủ quan với đột quỵ não. Thực tế, bệnh này có thể đến với mọi lứa tuổi. "Tại bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi từng tiếp nhận những bệnh nhân chỉ 14 tuổi. Thậm chí trẻ em cũng mắc bệnh", bác sĩ Tài cho biết.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không ít bệnh nhân mang di chứng suốt đời, thậm chí tử vong do đột quỵ vì người thân trì trệ trong việc chuyển đến bệnh viện.

"Khảo sát cho thấy, nhiều người không đến bệnh viện ngay vì ngại tốn tiền, số khác không biết đó là đột quỵ nên cứ trùm chăn, xoa dầu, cạo gió hoặc tự cho bệnh nhân uống thuốc. Điều này là hoàn toàn sai lầm", bác sĩ Tài nói.

Các xử trí tốt nhất theo bác sĩ Tài là lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. "Dù chẩn đoán đột quỵ não không đơn giản, nhưng việc đến bệnh viện vẫn tốt hơn giữ bệnh nhân ở nhà tự chữa trị", bác sĩ Tài nói.

Cũng theo bác sĩ Tài, theo lý thuyết, "thời gian vàng" để cấp cứu đột quỵ não là từ 3 đến 6 tiếng đồng hồ. Thời gian lý tưởng nhất để có thể cứu được bệnh nhân là 1-2 giờ đồng hồ sau khi đột quỵ. Càng nhập viện muộn, người bệnh càng dễ bị các di chứng như liệt người, sống đời sống thực vật thậm chí tử vong.

Để phòng bệnh, mỗi người cần tự kiểm soát được huyết áp, thăm khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu, bia, siêng năng vận động. “Trên thực tế, gần 90% bệnh nhân nhập viện là những người chưa từng kiểm tra sức khỏe”, bác sĩ Tài cho biết.

Sơ cứu tại chỗ (ở nhà), người bệnh cần được nới rộng quần áo. Nếu bệnh nhân nôn ói thì nên đặt nằm nghiêng để tránh sặc. Không nên sợ bệnh nhân cắn lưỡi mà dùng các vật lạ để cán vào miệng.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814