28/2/2023 | 8:02:11 AM

Dấu hiệu nhiễm cúm H5N1

Triệu chứng cúm H5N1 tương tự cúm thông thường như ngạt mũi, đau nhức cơ thể, đặc trưng là ho khan, sốt lạnh, xét nghiệm mới phát hiện virus.

H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người, tiếp xúc qua chăn nuôi hay ăn thịt vật nuôi bị nhiễm bệnh. Đây là chủng cúm rất nguy hiểm, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy H5N1 lây từ người sang người.

Dấu hiệu cúm A H5N1 ở mỗi người khác nhau. Các triệu chứng điểm hình bao gồm sốt từ 38 độ C trở lên, ho, đau nhức cơ thể và cơ bắp, đau họng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Triệu chứng đặc trưng là ho khan, sốt cao có thể kèm rét run.

Theo Cleveland Clinic, không thể chẩn đoán H5N1 chỉ thông qua triệu chứng, bởi biểu hiện của người bệnh giống với mắc cúm thông thường. Các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm bệnh phẩm lấy từ dịch mũi bệnh nhân.

Cúm gia cầm có thể gây ra các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, bao gồm khó thở, viêm phổi, suy hô hấp hoặc suy hô hấp cấp tính. Người bệnh đôi khi bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị co giật, thay đổi tâm trạng, suy đa tạng hoặc sốc nhiễm trùng.

Cúm H5N1 được điều trị bằng thuốc kháng virus như Oseltamivir, Peramivir, Zanamivir.

Gà tại trang trại Historic Wagner ở Glenview, Mỹ, ngày 23/1. Ảnh: Reuters

Gà tại trang trại Historic Wagner ở Glenview, Mỹ, ngày 23/1. Ảnh: Reuters

Những người tiếp xúc thường xuyên với chim hoang dã, gia cầm có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Trong đó, nhóm dễ chuyển nặng là phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu, người từ 65 tuổi trở lên.

Người nuôi gia cầm có nguy cơ cao mắc cúm H5N1. Do đó, bác sĩ khuyến nghị nhóm này cần thực hiện biện pháp phòng ngừa, dùng các thiết bị bảo hộ. Nếu không làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm, người dân cần tránh xa trang trại, chợ gia cầm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cẩn thận nếu bạn tiếp xúc với vịt trời hoặc các loại chim dưới nước khác. Luôn rửa tay đúng cách, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. Nếu xuất hiện triệu chứng ho, sốt sau khi đến một khu vực có dịch cúm gia cầm, hãy liên hệ với trung tâm y tế gần nhất.

Phân biệt cúm H5N1 với bệnh hô hấp khác. Đồ họa: Tiến Thành

Phân biệt cúm H5N1 với bệnh hô hấp khác. Đồ họa: Tiến Thành

Tuần trước, Campuchia đã ghi nhận ít nhất 12 người nhiễm cúm A H5N1, trong đó một bé gái 11 tuổi tử vong. WHO cho rằng tình hình virus H5N1 lây lan ở Campuchia là "đáng lo ngại", đồng thời kêu gọi tất cả quốc gia nâng cao cảnh giác.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814