26/10/2012 | 4:50:52 PM

Đau nửa mặt có nguy hiểm?

Nhiều người khi mới chớm có biểu hiện đau nửa mặt (đau đột ngột, lan toả, thành cơn giật giật) đã nghĩ mình bị đau răng, mua hết thuốc nọ đến thuốc kia uống. Uống mãi thấy không khỏi mới lật đật tìm đến bác sĩ rồi vỡ lẽ mình đã nhầm triệu chứng.

Sợi thần kinh “chạm mạch”

 

Sợi thần kinh “chạm mạch”

 

Đau nửa mặt, đúng như tên gọi của nó, là triệu chứng đau xuất hiện ở một nửa mặt bên phải hoặc trái. Thông thường vùng bị đau không choán hết nửa mặt, mà chỉ một phần của nửa mặt mà thôi.

 

Nguyên nhân hay gặp nhất của chứng đau nửa mặt là đau dây thần kinh số V, tiếng Anh gọi là Trigeminal Neuralgia, còn gọi là Tic Douloureaux. Dây thần kinh số V có ba nhánh, đánh số V1, V2 và V3. Đau hay gặp nhất ở nhánh hàm dưới của dây này, gọi là dây V3. Bệnh nhân bị đau giống như đau răng, nhiều người bị đau thành cơn đau chói như dao đâm hay điện giật. Có khi các cử động vùng miệng và mặt như ăn, nói hay xoa lên mặt cũng kích động tạo nên những cơn đau dữ dội. Có một số người bị đau ở nhánh V2, vùng đau nằm ở khu vực hàm trên và gò má. Một số khác đau ở nhánh V1, vùng da thuộc vùng trán và ở trên của ổ mắt. Có hai hướng điều trị: nội khoa và ngoại khoa.

 

Về nội khoa, người ta thường dùng các thuốc chống động kinh để chữa đau dây V. Thông dụng nhất hiện nay là pregabalin (Lyrica), gabapentine (Neurontine). Các thuốc này chữa cơn đau thần kinh rất tốt, tuy nhiên khá mắc tiền. Nhưng cũng còn có dạng thuốc generic với tên gọi khác để bác sĩ và bệnh nhân lựa chọn. Trước đây hay dùng carbamazepine (Tegretol), tuy nhiên cần dè chừng nguy cơ dị ứng thuốc rất nghiêm trọng. Bù lại thì carbamazepin khá rẻ tiền.

 

Về ngoại khoa, có thể lựa chọn giữa can thiệp tối thiểu bằng cách đưa một kim điện cực vào vùng hạch của dây thần kinh số V, dùng sóng cao tần để đốt hạch này, hoặc ngược lại, dùng nhiệt đông để tác dụng lên dây thần kinh. Nguyên nhân hay gặp của chứng đau dây V là do có một mạch máu ngoằn ngoèo bất thường ở bên trong sọ, và động chạm vào dây thần kinh số V gây đau. Vì vậy, phương pháp thứ hai của ngoại khoa là mổ giải áp vi mạch, tức là mổ vào bên trong sọ, để tách mạch máu nhỏ đó ra khỏi dây V.

 

Vi-rút là thủ phạm

 

Nguyên nhân thứ hai của đau nửa mặt là do bệnh “giời leo”, giới chuyên môn gọi là zona hay herpes zoster. Trong bệnh này, một loại virút tên là varicella zoster tấn công vào một nhánh của dây V, tạo nên các mụn nước ở vùng da mặt do nhánh thần kinh đó chi phối, thường hay gặp nhất là nhánh V1, tức là mọc mụn nước và bị đau ở vùng trán và mắt. Có nhiều người bệnh bị đau rất dữ dội. Về điều trị, ngoài các thuốc chữa đau dây V giống như nêu trên, trong những ngày đầu mới phát bệnh, cần nhanh chóng dùng thuốc diệt vi-rút, tên là acyclovir. Hiện có một số thuốc diệt virút mới nhưng chưa phổ biến ở nước ta.

 

Muốn khỏi phải kiên trì

 

Trong bệnh đau đầu thành chuỗi (tiếng Anh gọi là cluster headache), bệnh nhân có các cơn đau rất dữ dội ở vùng mắt một bên, lan lên trán và một nửa đầu bên đó. Cơn đau đột ngột xuất hiện và biến mất sau một vài giờ. Đặc điểm là xuất hiện rất đúng giờ trong ngày, đều đặn kéo dài thành một chuỗi nhiều ngày rồi tự nhiên biến mất, sau một mùa, hoặc một năm lại tái xuất hiện. Điều trị bệnh này thường chỉ cần dùng thuốc.

 

Đau vùng mặt cũng có thể do viêm xoang. Đặc điểm đau ê ẩm kéo dài, có thể kèm thêm nghẹt mũi hay chảy nước mũi, đau do viêm xoang thường không thành cơn đau chói dữ dội như mấy loại đau nửa mặt kể trên.

 

Còn có rất nhiều nguyên nhân gây đau mặt khác nữa, hiếm gặp hơn. Chúng tôi khuyên bệnh nhân nên tới khám chuyên khoa nội thần kinh để tìm nguyên nhân mà có cách điều trị hợp lý. Khi thấy đau, tê nửa mặt hoặc vùng nào đó trên mặt, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế hợp pháp để được khám và điều trị. Dù điều trị bằng phương pháp gì, người bệnh cũng cần kiên trì, vì bệnh thường phải điều trị kéo dài, dễ tái phát. Khi đau cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như càphê, trà mạn, trà khô, thuốc lá...

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814