10/4/2019 | 8:01:35 AM

Đề phòng biến chứng nguy hiểm của cúm mùa

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì cúm tăng cao, trong đó các trường hợp nặng chủ yếu là cúm A/H1N1.

Hiện 4 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 rất nặng, có ca tổn thương phổi nghiêm trọng... Vì vậy, việc phòng bệnh và phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh để được điều trị đúng là vô cùng quan trọng, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh dễ khởi phát khi thời tiết chuyển mùa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh cúm mùa, thường được gọi với cái tên quen thuộc là cúm, là loại bệnh do virut cấp tính gây ra và rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virut, qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Có 3 loại cúm mùa gồm: cúm A, cúm B và cúm C. Cúm A là loại nguy hiểm nhất với nhiều chủng gây bệnh như A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1)... Cúm C gần giống với cảm lạnh thông thường. Trong khi đó, virut cúm B chỉ có một chủng loại duy nhất lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cơ thể mắc bệnh cảm cúm là do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, độ ẩm không khí thấp đột ngột. Lúc này, cơ thể không thích ứng kịp thời khiến cho sự xâm nhập của vi rút cúm sẽ rất thuận lợi nên dễ mắc bệnh cúm.

de-phong-bien-chung-nguy-hiem-cua-cum-mua-1

Điều trị cho bệnh nhân mắc cúm.

Biểu hiện của bệnh

Ở trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm (thời gian ủ bệnh), các biểu hiện ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi... Sau đó là ngạt mũi, ho và chảy nước mũi. Ở trẻ có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần.

Bệnh lành tính nhưng không được chủ quan

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Ðặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ... Vì thế, nếu có các biểu hiện bất thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn, đã khiến cho bệnh cúm mùa chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Biến chứng viêm phổi thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Bệnh cúm khi không được điều trị hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu... Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gặp bệnh lý ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, không gây quái thai.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não). Mặc dù hội chứng này rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

- Lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác.

- Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.

- Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng... thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

- Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

- Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virut như tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814