25/11/2022 | 9:51:36 AM

Đề phòng những biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh lý phổ biến ở độ tuổi trung niên. Bệnh khiến cho các khớp sưng, nóng đỏ và đau. Đặc biệt, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

 

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính gặp phổ biến ở nữ và trong độ tuổi trung niên. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch gặp trục trặc và tấn công các mô lành khác trong cơ thể. Hậu quả là làm cho các khớp sưng, nóng, đỏ và đau. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể: cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối.

Viêm khớp dạng thấp nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể để lại một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

2. Nguyên nhân và đặc điểm của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp thường hay gặp nhất là: khớp bàn tay - cổ tay; khớp bàn - ngón tay; khớp bàn chân, khớp ngón chân, hoặc khớp bàn - ngón chân.

Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay chưa được khẳng định một cách chắc chắn nhưng có nhiều giả thuyết cho rằng viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn. Bởi có những bằng chứng cho thấy có vai trò quan trọng của các đáp ứng miễn dịch, của các cytokines, các lympho T, yếu tố cơ địa. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có vai trò trong nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp.

Nên xoa bóp khớp nhẹ nhàng lúc ngủ dậy

3. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp tiến triển theo 4 giai đoạn:

- Giai đoạn I: Sưng khớp và đau khớp do viêm màng trên khớp. Các tế bào miễn dịch di chuyển đến vùng viêm dẫn đến số lượng tế bào tăng cao trong dịch khớp.

- Giai đoạn II: Có sự gia tăng và làn truyền của viêm trong mô. Mô xương bắt đầu phát triển ảnh hưởng dần dần phá hủy sụn khớp và khớp bắt đầu thu hẹp do mất sụn. Ở giai đoạn này, thường chưa có dị dạng khớp.

- Giai đoạn III: Giai đoạn nặng. Sự mất đi sụn khớp trong các khớp bị tổn thương làm lộ xương dưới sụn làm bệnh nhân đau khớp, sưng tấy, hạn chế chuyển động, cứng khớp vào buổi sáng, suy nhược cơ thể, teo cơ…

- Giai đoạn IV: Là giai đoạn cuối của bệnh viêm khớp dạng thấp. Lúc này, quá trình viêm giảm đi và hình thành các mô xơ và xương chùng (xương kết hợp) dẫn đến việc ngừng chức năng khớp.

Các biểu hiện thường gặp:

- Đau khớp và xơ cứng là triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp dạng thấp. Đau nặng nhất vào buổi sáng khi thức dậy hoặc sau khi ngồi bất động trong khoảng thời gian dài. Tình trạng thường đỡ hơn sau khi cử động nhiều lần.

- Những triệu chứng khác: bỏng hoặc ngứa mắt, mệt mỏi, nổi nhọt ở chân, chán ăn, ngứa ran và tê, nhịp thở ngắn, nốt sần da, yếu và sốt cao. Khớp có thể bị đỏ, sưng tấy, nóng, mềm và biến dạng khớp…

- Vị trí thường gặp sớm nhất ở khớp cổ tay, bàn ngón… sau đó là ở chi dưới như khớp gối, cổ chân, bàn – ngón, ngón chân. Viêm đau xuất hiện muộn là khớp khuỷu tay, khớp vai, khớp háng, đốt sống cổ, khớp thái dương hàm, ức đòn… Tính chất sưng, đau có xu hướng lan ra hai bên và đối xứng.

Xét nghiệm sẽ thấy tốc độ máu lắng, tỷ lệ CRP (C- Reactive Protein) tăng cao, Chụp X quang, cắt lớp vi tính (CT) cho thấy hình ảnh biến đổi xương.

4. Biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp các biến chứng:

  • Loãng xương: Làm suy yếu xương và khiến xương trở nên giòn, dễ gãy.

  • Hình thành những khối mô cứng xung quanh các khu vực khớp chịu áp lực và những nốt này còn có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

  • Khô mắt và miệng: Bị rối loạn làm giảm độ ẩm trong mắt và miệng.

  • Nhiễm trùng: Nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

  • Cơ thể bất thường: Tỷ lệ mỡ so với cơ thường cao hơn ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp,

  • Có thể chèn ép dây thần kinh ở bàn tay và ngón tay gây ra hội chứng ống cổ tay

  • Làm tăng nguy cơ bị xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch.

  • Bệnh phổi: Có nguy cơ bị viêm và sẹo mô phổi, có thể dẫn đến khó thở.

  • Ung thư hạch: Có khả năng cao bị ung thư hạch.

5. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Khi nghi ngờ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp và điều trị tích cực theo chỉ định.

- Nguyên tắc điều trị là dùng thuốc giảm đau, chống viêm (Aspirin, corticoid, không steroid) và thuốc ức chế cox 2 (celebrex) và điều trị phải kết hợp giữa nội khoa, phục hồi chức năng và có thể được chỉ định can thiệp bằng ngoại khoa.

Tuy nhiên dùng loại thuốc gì, liều lượng ra sao để điều trị là do bác sĩ khám bệnh chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị. Làm vậy, bệnh không những không khỏi mà còn trầm trọng thêm và dễ gây biến chứng nguy hiểm.

- Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính đòi hỏi quá trình điều trị phải kiên trì, liên tục. Người bệnh không được uống và tiêm bất cứ loại thuốc nào vào vùng đau của khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Người bệnh nên ăn uống đủ chất, có chế độ sinh hoạt hợp lý và rèn luyện cơ thể đều dặn nhằm tránh biến dạng khớp, cứng khớp, teo cơ.

- Cần bổ xung calci, vitamin D để phòng ngừa loãng xương. Nếu bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cao có thể sử dụng bisphosphonates.

- Mỗi sáng ngủ dậy nên xoa bóp cơ khớp, có thể dùng thêm một loại dầu làm nóng khớp để máu lưu thông tốt đến các cơ xương khớp, dây chằng. Thời gian xoa bóp tốt nhất từ 10 – 15 phút.

- Nên đi khám bệnh theo định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khoẻ.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814