10/11/2011 | 7:35:24 AM

Đề phòng tay chân miệng ít triệu chứng

Các ca mắc tay chân miệng không có biểu hiện “rầm rộ” thường là những trường hợp nặng gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nhanh.

Dễ sai sót

Mới đây, tại lớp tập huấn về chữa trị bệnh tay chân miệng (TCM) và bệnh sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức ở Hà Nội, các bác sĩ cảnh báo về những ca bệnh TCM ít có triệu chứng nhưng bệnh lại rất nặng.

Cụ thể, gần đây Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận một cháu bé vào viện với biểu hiện sốt cao liên tục nhưng lại không có biểu hiện rõ rệt của bệnh TCM. Bé đã tử vong do bệnh diễn biến quá nhanh (tối cấp). Xét nghiệm xác nhận bé nhiễm virus EV71. Các bác sĩ cho biết, đây là ca bệnh không điển hình về lâm sàng có diễn biến bệnh rất nặng. Báo cáo của bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cũng cho biết, có một số bệnh nhi tử vong rất nhanh sau khi vào viện, có ca chưa đầy 24 giờ sau nhập viện. Có bé nhập viện chỉ 3 giờ sau đã tử vong.

 
Không phải ca tay chân miệng nào cũng biểu hiện nhiều nốt phồng như thế này - Ảnh: T.Tùng 

Theo các bác sĩ, virus đường ruột EV71 (là virus thường gây bệnh TCM nặng) khi xâm nhập vào cơ thể có thể di chuyển “hướng ngoại” (đi tới da) gây các biểu hiện bệnh rõ rệt là các nốt phồng ở vùng tay, chân, miệng và có thể ở cả vùng mông, đầu gối. Tuy nhiên, phần lớn là thể ít nguy hiểm. Với một số trường hợp, virus này lại “hướng nội” đi vào máu, đến màng não gây tổn thương thần kinh; đến vùng hô hấp khiến trẻ có diễn biến bệnh rất cấp tính dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, với trường hợp nặng, bệnh thường có biểu hiện ra ngoài trông có vẻ “hiền”, không điển hình của bệnh TCM bằng các nốt phồng hoặc nếu có chỉ một vài nốt phồng nhỏ, mờ ẩn sâu dưới da nên gia đình dễ chủ quan.

Các ca bệnh không có biểu hiện rầm rộ này còn khiến một số bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể chẩn đoán nhầm với viêm phổi (vì khó thở); hoặc nghĩ đến hen (với bệnh nhân thở rít). Chẩn đoán sai, điều trị không đúng khiến trẻ sau uống thuốc vẫn sốt cao dữ dội, suy hô hấp, suy tuần hoàn, sốc và tử vong nhanh chóng.

Không bỏ qua ca bệnh nhẹ

Trong khi các ca mắc TCM thể nặng, diễn biến bệnh được tính bằng phút, thì ở một số bệnh viện tỉnh, việc chẩn đoán xử lý các ca TCM nặng vẫn còn lúng túng; thậm chí vẫn còn sai sót trong phân loại bệnh nhân ngay cả với bệnh viện tuyến trên. Có bệnh nhân được phân loại giai đoạn sớm, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ sau đó được khám lại phát hiện đã ở giai đoạn 4, nguy hiểm tính mạng.

Tình huống bác sĩ khám dặn dò các bậc cha mẹ theo dõi trẻ tại nhà không kỹ, hẹn cho trẻ tái khám quá xa chính là “bẫy” trong điều trị TCM, vì có những ca bệnh nhẹ đến khám sớm nhưng diễn biến cấp tính sau đó. Để chủ động phòng các diễn biến nguy hiểm do TCM, cha mẹ nên cho con tái khám hằng ngày trong 8 ngày đầu có dấu hiệu bệnh. Nhưng trẻ cần được tái khám ngay khi có dấu hiệu nặng: sốt cao dữ dội, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ (trằn trọc, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngủ gà) hoặc ngủ li bì; run giật tay chân, nôn ói nhiều. Với trẻ lớn hơn có thêm các biểu hiện: yếu chi đi lại loạng choạng, yếu liệt tay chân, da nổi bông bong tróc. Ngay cả với trường hợp nhẹ (độ 2a) cũng cần được theo dõi mỗi 6-12 giờ; trẻ độ 2b cần theo dõi diễn biến bệnh mỗi 2-3 giờ.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814