25/11/2012 | 5:00:51 PM

Dị ứng mắt: Phòng thế nào?

Nhiều người cho rằng, da, mũi mới dễ bị dị ứng chứ mắt do luôn có nước mắt "bảo vệ" nên khó nhiễm bệnh. Nhưng trong thực tế, mắt thuộc nhóm cơ quan có nguy cơ cao bị dị ứng do mắt thường xuyên tiếp xúc với môi trường. Không những thế, do phần bên ngoài của mắt lại luôn ẩm ướt nên khả năng bám dính và kích ứng của các kích thích và dị nguyên sẽ tăng lên. Nhờ có nước mắt, các dị nguyên có thể nhanh chóng bị rửa trôi, nhưng chỉ cần một thời gian rất ngắn, chúng cũng đã có thể gây ra các biểu hiện dị ứng tại mắt.

Người ta chia dị ứng mắt thành nhiều dạng

Viêm kết mạc dị ứng: Là bệnh thường gặp nhất với các triệu chứng chủ yếu là ngứa mắt, chảy nước mắt, tăng tiết rỉ mắt; nặng hơn thì phù nề, co quắp mi, sợ ánh sáng. Tại mi cũng có thể có các biểu hiện viêm nhiễm.

Dị ứng mắt: Phòng thế nào? 1
 Khi bị dị ứng mắt không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt.

Viêm giác mạc: Thường do dị ứng với những yếu tố nội sinh như: viêm giác mạc kẽ do dị ứng độc tố vi khuẩn lao - xoắn khuẩn giang mai, viêm giác mạc dạng nốt do dị ứng liên cầu, viêm giác mạc sau nhiễm virus Herpes, thủy đậu, zona...

Viêm bên trong nhãn cầu: Tuy khó có dị nguyên nào lọt vào được nhưng chúng ta vẫn có thể gặp các bệnh lý dị ứng. Chất nhân thể thủy tinh với bản chất là một dị nguyên nội sinh có thể gây ra những bệnh cảnh nặng nề cho mắt như: viêm màng bồ đào dị ứng chất nhân, glaucoma do thể thủy tinh.

Các nguyên nhân gây viêm nhiễm tại mắt

Dị ứng phấn hoa, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, chàm, mất cân bằng dinh dưỡng, hóa chất, dùng mỹ phẩm bừa bãi… trong đó dị ứng mắt theo mùa là bệnh nhẹ, chỉ gây ngứa ngáy, mắt đỏ, chảy nước mắt. Cơ chế dị ứng mắt là phản ứng do tế bào mast cell bị kích thích bởi Immunoglobin E, khởi sự do bụi dị ứng sinh ra. Những chất trung gian từ tế bào mast cells như histamine, prostaglandin, leucotrienes và kinins lần lượt kích thích dây thần kinh, làm nở mạch máu, tiết ra chất nhờn, làm mắt ngứa, cay và đỏ, sưng thành bọng nước trong mắt và ra ghèn.

Dị ứng mắt dễ bị nhầm với các bệnh mắt khác do triệu chứng không rõ ràng. Bởi vậy, cần phân biệt dị ứng mắt với nhiều bệnh mắt khác, nhất là phân biệt thương tích vào mắt, nhiễm khuẩn mắt, dùng kính áp tròng, thuốc rửa mắt không hợp, nhiễm khuẩn mắt, viêm vành mắt, mắt khô, hay đường dẫn nước mắt bị nghẹt...

Dị ứng mắt: Phòng thế nào? 2
 Viêm kết mạc là dạng dị ứng mắt thường gặp.

Ðiều trị và phòng bệnh

Điều trị tùy thuộc bệnh dị ứng mắt nặng hay nhẹ. Nhưng cách hay nhất là phải loại trừ nhanh chóng các dị nguyên ra khỏi mắt. Bệnh nhân không nên dùng tay dụi mắt vì sẽ kích thích tế bào mast cells làm bệnh tăng nặng thêm. Bệnh nhân có thể rửa mắt bằng nước lạnh, nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo (nếu dùng nước mắt nhân tạo mà còn bị đau mắt thêm, hay đỏ mắt hơn, hay bị kích thích thì nên ngưng dùng). Chườm lạnh cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm phù mi, giảm ngứa và kích thích do làm co mạch và ổn định màng tế bào có chức năng miễn dịch.

Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự tiện mua thuốc để nhỏ. Cần tuân thủ nghiêm ngặt thời gian dùng và liều lượng thuốc, bởi việc dùng tùy tiện hay lạm dụng các thuốc này có thể gây một số biến chứng ở mắt. Nếu không may bị dị ứng với các thuốc tra hoặc nhỏ mắt thì phải dừng thuốc lại, sau đó đem đơn và thuốc đã dùng đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để được chẩn đoán và hiệu chỉnh.

Để phòng dị ứng, bệnh nhân phải tránh tiếp xúc với những dị nguyên, chất kích thích nào có thể gây dị ứng cho mắt. Các yếu tố gây dị ứng phổ biến là: phấn hoa, bụi nhà, bào tử nấm mốc, lông côn trùng và súc vật nuôi, nước hoa, xà phòng thơm, một số mỹ phẩm, thức ăn. Khi thấy khó chịu tại mắt, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự tiện mua thuốc nhỏ mắt. Khi bác sĩ kê đơn thuốc, cần báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng của bạn.
Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814