14/3/2020 | 11:14:51 AM

Dịch COVID-19: Chuyện buồn từ tin giả, thái độ kỳ thị và sự vô cảm

“Chị nhớ đi đường vòng, tránh xa cửa nhà bà B ra nhé! Nếu chị nhìn thấy bà ấy ngoài ngõ thì nhớ đừng chào hỏi, nói chuyện gì cả, phải lập tức đi ngay, tránh càng xa càng tốt! Tuần trước, gia đình bà ấy có cô cháu gái đến chơi. Em nghe nói, bây giờ, cô ấy trong diện tự cách ly ở nhà.”

Sau khi “dặn dò” kỹ lưỡng chị gái, P.A (24 tuổi, Long Biên, Hà Nội) vội phóng xe đi làm. Khác với thường ngày, chỉ cần đi thẳng con ngõ nhỏ kéo dài chừng 100m là tới đường lớn, hôm nay, P.A quyết định quay xe theo chiều ngược lại để vòng qua những ngõ, ngách khác với mục đích không đi qua cửa nhà bà B.

Cô gái trẻ vội vã quay đi mà không hề hay biết bà B đang cặm cụi quét dọn lá khô trải đầy trên con ngõ nhỏ sau cơn mưa rào bất chợt của Hà Nội. Nghe thấy vậy, bà B cúi gằm mặt, tay đưa chổi thật nhanh. Xong việc, người phụ nữ luống tuổi ấy vội vã trở về nhà, dáng vẻ tất tưởi như đang trốn chạy những ánh nhìn soi mói dồn đuổi phía sau…

Từ câu chuyện kể trên, tiến sỹ Nguyễn Nam (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh là điều tốt. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với thái độ kỳ thị hay những lời nói “khiếm nhã” đối với những bệnh nhân, gia đình có người nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thái độ, cách hành xử trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay không chỉ thể hiện văn hóa ứng xử, trình độ nhận thức của người trong cuộc mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý cộng đồng.

“Nỗi đau” thời 4.0

Hiện nay, cùng với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, “virus tin giả” (fake news) lây lan nhanh chóng trên không giang mạng.

Tối 6/3 vừa qua, khi có thông tin chính thức về một bệnh nhân dương tính với chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) ở Hà Nội, trong khi các cơ quan chức năng đang “gồng mình” khoanh vùng, triển khai phương án đối phó thì một cơn hoảng loạn tập thể lập tức xảy ra trên mạng xã hội.

Cùng với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, “virus tin giả” (fake news) lây lan nhanh chóng trên không giang mạng.

“Có vẻ như cả Hà Nội trắng đêm! Thoạt đầu, khi mới biết thông tin đó, tôi cũng rất hoang mang. Lướt facebook trong đêm ấy, tôi thấy ngập tràn những ‘dự báo,’ đồn đoán của cộng đồng mạng kiểu như ‘Hà Nội sẽ vỡ trận trước dịch COVID-19,’ ‘Sắp toang rồi anh em ơi…’ Điều này càng khiến tôi lo lắng, hoảng loạn, không thể chợp mắt,” chị Phương Thảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.

Nhiều tin giả liên quan đến dịch COVID-19 được lan truyền trên mạng xã hội.

Không chỉ dừng lại ở việc liên tục phát tán những tin tức thất thiệt liên quan đến bệnh nhân số 17 nhiễm SARS-CoV-2 (như sau khi về nước, N vẫn đi bar, tham dự chương trình khai trương rầm rộ của một nhãn hiệu thời trang…), cộng đồng mạng còn liên tục “lùng sục,” lan truyền thông tin về người thân, gia đình của cô. Thậm chí, có thành viên mạng còn lập một danh sách hơn 20 địa điểm cần tránh xa vì cho rằng đây là nơi ở của những người được cho là có tiếp xúc với ca nhiễm, trong đó có cả những nhân viên y tế.

Sự sợ hãi, hoảng loạn lập tức chuyển thành hành động. Ngay trong đêm 6/3 và sáng sớm hôm sau, người dân đổ xô đi mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt để tích trữ.

“Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt sắc lạnh và giọng nói vô cảm của một người đàn ông trong siêu thị sáng 7/3. Hôm ấy, tranh thủ ngày nghỉ, tôi đi mua đồ. Bước vào một siêu thị gần nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy các gian hàng trống hoác. Khi nhìn thấy một người đàn ông đẩy chiếc xe đựng hàng đi qua, trong đó có chừng năm thùng mì tôm, tôi hỏi: ‘Chú có thể để lại cho cháu khoảng 10 gói được không?’ Lập tức, người đàn ông ấy quắc mắt nhìn tôi rồi gằn giọng: ‘Không được’,” Phương Thảo kể.


Người dân ở khu vực Trúc Bạch (Hà Nội) được cung cấp đủ thưc phẩm trong thời gian cách ly. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Rồi, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nữ bệnh nhân đang nằm điều trị trên giường bệnh với nhiều thiết bị y tế theo dõi, hỗ trợ xung quanh. Nhiều tài khoản facebook cho rằng đó chính là N (bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam và là bệnh nhân đầu tiên ở Hà Nội nhiễm COVID-19) đang trong tình trạng nguy kịch. Cùng với đó, không ít người bình luận với thái độ miệt thị, lời lẽ khiếm nhã.

"Thái độ kỳ thị, sự vô cảm hay vô trách nhiệm trong việc lan truyền thông tin sai sự thật sẽ dẫn tới những bất ổn trong xã hội."

Trong khi đó, thực tế, bệnh nhân này đang được điều trị tại phòng phòng áp lực âm Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương với tình trạng đã hết sốt, sức khỏe ổn định. Còn nhân vật trong bức ảnh lan truyền trên mạng là bệnh nhân khác đang điều trị tại một bệnh viện tại Hà Nội.

“Đó là một sự vô cảm rất đáng lên án! Khi phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, con người sẽ cảm thấy sợ. Đó là trạng thái tâm lý dễ hiểu, thông cảm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta lan truyền, phát tán những thông tin, hình ảnh thiếu kiểm chứng, gây tổn hại tinh thần cho bệnh nhân khác và người nhà của họ. Nếu là cha mẹ, người thân của cô gái đang nằm trên giường bệnh kia, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy thế nào?” tiến sỹ Nam đặt câu hỏi.

Hơn nữa, ông Nam cho rằng việc phát tán thông tin cho rằng đó là bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19 sẽ gây hoang mang dư luận. Trong khi các bác sỹ, nhân viên y tế, cơ quan chức năng đang dồn sức dập dịch thì những thông tin sai sự thật như vậy sẽ tác động, khiến một bộ phận cư dân hoài nghi về nỗ lực và khẳng năng chống dịch, điều trị của Việt Nam.

“Ở một phương diện nhất định, sự tiện lợi về công nghệ đã khiến cho nỗi đau lây lan nhanh hơn. Chỉ cần một cú click chuột để chia sẻ hay một vài phút viết status (dòng trạng thái) với nội dung là những thông tin thất thiệt, không kiểm chứng, người dùng có thể tạo ra những ‘cơn bão.’ Thông tin là giả mạo nhưng hậu quả gây ra là có thật,” tiến sỹ Nam cho biết.

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, mỗi cá nhân cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, đừng ấn nút “like,” “share” trên không gian mạng bằng sự cảm tính, trước khi chia sẻ, lan truyền thông tin gì, cần có sự kiểm chứng. Thái độ kỳ thị, sự vô cảm hay vô trách nhiệm trong việc lan truyền thông tin sai sự thật sẽ dẫn tới những bất ổn trong xã hội.

Tình người trong đại dịch

Không phải đến khi Việt Nam bước vào giai đoạn hai của hành trình phòng, chống dịch COVID-19, câu chuyện về lối ứng xử vô cảm, vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, trục lợi trên nỗi đau, sự sợ hãi của người khác mới được đặt ra.

"Nhiều cá nhân, đơn vị đã có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực để “chia lửa” với các cơ quan chức năng".

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và đặc biệt là từ thời điểm phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam, khẩu trang y tế và các loại nước, cồn rửa tay khô tạo thành “cơn sốt” trên thị trường. Nhiều tiểu thương, cửa hàng đã lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân để nâng giá, trục lợi.


Phố phường Hà Nôi vắng lặng hơn trong những ngày gần đây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không chỉ có vậy, dư luận đã “dậy sóng” khi cơ quan chức năng phát hiện số lượng khẩu trang được gắn mác là khẩu trang y tế có lớp kháng khuẩn nhưng lõi lại được làm từ giấy vệ sinh tại một cơ sở sản xuất tại Thường Tín (Hà Nội) vào ngày 13/2 hay phát hiện một đối tượng thu mua hơn 600kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng tại khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), đưa về cất giấu tại Sóc Sơn (Hà Nội) vào chiều 19/2.

Sau đó ít ngày, vào 25/2, cô gái có tên N.T.T. khi trở về Việt Nam từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc) đã livestream trên trang cá nhân, bày cách khai báo y tế không trung thực để tránh cách ly. Hành động vô trách nhiệm của cô đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng.

Trong bối cảnh cả nước chung tay chống dịch, trái ngược với sự vô cảm, vô trách nhiệm của một bộ phận người dân, có nhiều cá nhân, đơn vị đã có những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực để “chia lửa” với các cơ quan chức năng.

Với sự cố vấn chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Ngọc Sơn và chuyên gia người Đức Rob De Zwart, ca sỹ Hà Anh Tuấn cùng hai người bạn (đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhà sản xuất Minh Hoàng) đã tài trợ thiết bị máy móc cùng phụ kiện tổng thể để thiết lập ba phòng điều trị cách ly áp lực âm cho bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm virus COVID-19 cũng như các trường hợp bệnh nhân cần cách ly khác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh.

Không chỉ có nghệ sỹ, người nổi tiếng chung tay vì cộng đồng, mới đây, bà Trần Bích Thủy (Bắc Giang) đã khiến nhiều người cảm phục khi tặng 50 tấn gạo cho khu vực cách ly theo dõi sức khỏe tập trung của tỉnh và một số địa phương...

“Những thông tin tích cực như vậy khiến tôi cảm thấy phấn chấn, lấy lại tinh thần hơn rất nhiều,” chị Phương Thảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng dịch".

Sáng 13/3, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn sẵn sàng đáp ứng các loại hàng hóa dồi dào nhất để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Biện pháp trước mắt là tiếp tục ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn các nguồn lây, chống lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác khai báo y tế, nhất là khi thế giới đã xuất hiện một số ổ dịch mới.

“Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng dịch. Vì sức khoẻ của dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn,” Thủ tướng nhấn mạnh.


Biện pháp trước mắt là tiếp tục ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn các nguồn lây, chống lây lan ra cộng đồng. (Ảnh minh họa: Hiếu Hoàng/Vietnam+) 

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814