31/8/2012 | 8:13:16 PM

Điểm mặt bệnh học đường

Các tật khúc xạ, tổn thương cột sống, căng thẳng thần kinh... là những bệnh lý học đường đang gia tăng khi học sinh thiếu ý thức phòng bệnh.

Điểm mặt bệnh học đường
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cận thị nhiều hơn viễn thị

Các kỳ nghỉ hè là giai đoạn học sinh đến khám và điều trị các tật khúc xạ đông nhất trong năm và năm nay cũng không ngoại lệ - bác sĩ Nguyễn Thị Mai (Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Thắng, TP.HCM) cho biết. Cận thị, viễn thị và loạn thị là những tật khúc xạ phổ biến. Có thể là cận thị hoặc viễn thị đơn thuần hoặc cận thị kèm loạn thị; viễn thị kèm loạn thị.

 

Bàn nên cao bằng 46% chiều cao cơ thể trẻ; ghế bằng 27%. Khi ngồi học, trẻ cần ngồi với 4 điểm tựa là hai bàn chân áp mặt đất, mông và 2/3 đùi đặt trên ghế, lưng thẳng tựa vào thành ghế, cẳng tay đặt trên bàn. Mắt cách mặt trang sách từ 25-30 cm.

Trong học đường, tỷ lệ học sinh bị cận thị cao hơn viễn thị. Những thói quen xấu kéo dài, như sử dụng bàn học không phù hợp kích thước, khoảng cách không phù hợp, thiếu ánh sáng, khi học ở nhà không ngồi học đúng vị trí tại bàn học đạt tiêu chuẩn, mà có khi ngồi hoặc nằm trên giường, ghế trường kỷ... là những nguyên nhân gây cận thị. Xem nhiều truyện tranh, ti vi, chơi game trên máy tính, điện thoại di động, iPad... cũng là những tác nhân gây hại mắt.

Một khi đã mắc các tật khúc xạ thì trẻ sẽ mang theo suốt đời và bệnh thường chuyển nặng khi trưởng thành. Để tránh điều này, nên cho trẻ vui chơi ngoài trời mọi lúc khi có cơ hội (như giờ tan tầm, các ngày lễ tết, kỳ nghỉ hè), sự vận động không những tốt cho mắt mà cho tất cả các bộ phận của cơ thể. Thiết kế góc học tập tại nhà cho trẻ đạt tiêu chuẩn về ánh sáng như gần cửa sổ, ban công, giếng trời. Nếu phòng thiếu ánh sáng tự nhiên thì trang bị đèn học (loại đèn tiết kiệm điện và không hại mắt). Đèn học có nhiều loại như đèn trần, đèn bàn (đèn bàn thì phải có chụp, không hắt ánh sáng lên mắt, hướng đèn chiếu từ bên trái qua - nếu trẻ thuận tay phải - để không bị khuất bóng tay).

Cũng không cấm đoán trẻ sử dụng các loại hình giải trí (như đọc sách, máy vi tính, các thiết bị công nghệ) nhưng phải theo một tiêu chuẩn nhất định (như xem ti vi không quá 2 giờ một ngày, khoảng cách từ mắt đến ti vi tối thiểu 2 mét) nhằm tránh trường hợp trẻ lén đem sách truyện ra đọc ở góc khuất trong trường, nhà vệ sinh, giường ngủ hoặc một góc phòng... nơi không đảm bảo về ánh sáng và khoảng cách. Không để trẻ học bài một cách dễ dãi như vừa học vừa ăn hoặc nằm học. 

Khi thấy trẻ có những biểu hiện như nheo, nhíu mắt hoặc ngồi sát khi xem tivi, cúi sát mặt khi học bài, viết bài sai, hay đụng đổ đồ vật trong nhà... phải kịp thời đưa trẻ đi khám mắt, sau đó tái khám 6 tháng một lần.

Stress vì học

 

Khảo sát của Bệnh viện Mắt TP.HCM (từ tháng 3.2006 đến 12.2007) trên 2.747 học sinh tại 20 trường (thuộc 6 quận huyện đại diện cho 4 vùng dân cư của TP.HCM, ở độ tuổi 7-15) cho thấy, tỷ lệ mắc tật khúc xạ chung là 39,35%; trong đó cận thị chiếm 38,88%; viễn thị 0,47%. Tại Bệnh viện Mắt Cao Thắng, số người đến khám vì lý do tật khúc xạ chiếm 38% trong tổng số bệnh nhân đến khám.

Gần đây, tình trạng học sinh bị stress do áp lực học tập ngày càng nhiều và vấn đề là trẻ không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Do đó, phụ huynh cần nắm rõ các kiến thức về tâm lý trẻ trong các độ tuổi để can thiệp kịp thời.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh (Phòng Tư vấn tâm lý gia đình & trẻ em TP.HCM) đã có những liệt kê chi tiết về tác động của áp lực lên học sinh trong mọi độ tuổi. Khi bước vào năm học mới, từ các em thiếu nhi cho đến các học sinh cấp 2, 3 đều xem đó là chuyện bình thường, ngoài một vài thay đổi về giờ giấc trong sinh hoạt cùng việc chuẩn bị sách vở, học cụ... Thế nhưng cũng không ít các em khác cảm thấy lo lắng, từ khó chịu đến căng thẳng khi đi học, nhất là với các em lần đầu đến trường tiểu học hay các lớp đầu cấp 2, 3... Khi lần đầu đến trường tiểu học, trẻ sẽ phải đối mặt với những điểm khác biệt ở trường mẫu giáo như tuân thủ các yêu cầu về kỷ luật (xếp hàng vào lớp, ngồi yên hằng giờ, muốn làm gì phải giơ tay xin phép...) từ đó trẻ có thể có tình trạng sợ đến trường, vào lớp, khó ngủ, ăn kém hay bỏ ăn... đôi khi có những hành vi tiêu cực như gặm móng tay, mút tay, xoắn tóc và luôn có cảm giác bất an.

Với những em lớn hơn thì sau một thời gian nhập học do kém thích nghi với môi trường mới, hay không biết tổ chức, sắp xếp việc học cho hợp lý, sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng với những dấu hiệu bệnh lý như nhức đầu, mất ngủ, đau bụng không có căn nguyên. Nếu kéo dài các em có thể bị đau bao tử, có tình trạng trầm cảm hoặc trở nên kém tập trung, hay quên...

Trạng thái căng thẳng hay stress nhẹ của các em khi bước vào năm học có thể giảm thiểu hay không phụ thuộc vào việc các em biết điều chỉnh các hoạt động trong ngày và sắp xếp việc học hành, nghỉ ngơi hợp lý. Với những rối loạn nặng hơn, hay bắt đầu tỏ ra không thích nghi với việc đi học cùng với các dấu hiệu bệnh lý thì cần phải đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý để có những can thiệp kịp thời.

Chăm sóc cột sống

Cột sống trẻ em tuy dẻo nhưng mềm, dễ cong vẹo - Giáo sư Christopher Phạm (chuyên khoa Thần kinh và cột sống Hoa Kỳ) cho biết. Trẻ đang lớn các đốt sống, gân cơ, dây chằng còn non yếu nên cột sống rất dễ uốn, vặn, vẹo, lệch. Bộ xương đang trong quá trình phát triển, dần dần sụn mới đắp vôi thành xương cứng cáp. Tình trạng tổn thương cột sống thường gặp nhất là cong, vẹo, lệch. Nếu được điều trị sớm thì khả quan, còn để lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến vóc dáng, chiều cao và lồng ngực. Khi đã trưởng thành cột sống sẽ như cây tre - “tre non không uốn, tre già uốn gãy”. Lúc này cột sống đã rắn và cơ thể sẽ mang cố tật cong vẹo suốt đời. Tại VN, phần lớn bàn ghế thường dùng chung cho trẻ nhiều độ tuổi nên không phù hợp về tiêu chuẩn y tế. Ở nhà, một số trẻ cũng dùng chung bàn làm việc của bố mẹ để học bài nên cột sống bị biến dạng là điều khó tránh khỏi.

Hiện trên thị trường có bán các loại bàn ghế phù hợp cho học sinh mọi lứa tuổi. Đặc biệt, có loại bàn ghế có thể điều chỉnh được theo sự phát triển chiều cao và lứa tuổi của trẻ nên sử dụng được cho nhiều cấp học.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814