17/11/2012 | 6:10:35 PM

Đối phó chứng viêm da mùa lạnh

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết công tác khám và điều trị những ngày này chủ yếu là bệnh mày đay, viêm da cơ địa ở trẻ em và cả người lớn, viêm da tiếp xúc do côn trùng, da khô...
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân bị ngứa da
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân bị ngứa da.

N.T.H (28 tuổi, Hà Nội) bị nổi mẩn khắp người. Đêm lạnh, đắp chăn ngủ thì cả người râm ran ngứa không thể nào chợp mắt được. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. bị mày đay, một bệnh da dị ứng thời tiết vào mùa hanh khô.

Bác sĩ Quang cho biết các đợt lạnh và khô hanh kéo dài, khả năng tiết mồ hôi và các chất hữu cơ của da giảm hẳn, da sẽ bị khô nẻ, ngứa.

Khi đến giới hạn an toàn của cơ thể, da không căng giãn thêm, không tiết mồ hôi và các axít hữu cơ để bảo vệ da thì lớp biểu bì da ngày càng mỏng, mất đàn hồi và nứt nẻ gây ngứa. Ngứa thì phải gãi, càng gãi càng rách da thêm và ngứa càng tăng.

Mùa đông, việc tắm rửa chăm sóc da bị hạn chế, điều này làm cho các vi sinh vật, nấm gây bệnh có môi trường thuận lợi để ký sinh.

Trong điều kiện lạnh, chúng ít có khả năng gây bệnh nhưng thời tiết ấm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh cho con người. Vì vậy, mặc dù nhiệt độ lạnh vẫn phải vệ sinh thân thể thường xuyên.

Bác sĩ Quang cho biết hiện đang là thời điểm dễ mắc bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng. Ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục trường hợp là nạn nhân của côn trùng như bướm, rầy nâu, thiêu thân, kiến ba khoang... Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với zona hay giời leo và dẫn đến điều trị sai lầm.

Vào mùa thu đông có nhiều côn trùng bay buổi đêm và tối. Chính chúng là thủ phạm gây nên các đám da đỏ, phù nề và thường có mủ. Đa số trường hợp bị ở vùng da hở, nhất là ở mặt. Các vết này thành đám hoặc vệt dài. Đây là một loại viêm da tiếp xúc kích ứng.

Có những năm thành dịch bệnh ở Hà Nội và một số tỉnh/thành phố khác. Hiện các bác sĩ da liễu đã biết rõ về bệnh này và cách điều trị.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số người chưa biết cho nên có những trường hợp bị biến chứng bội nhiễm, gây loét và để lại vết sẹo, hoặc vết thâm rất lâu khỏi do tự ý bôi thuốc.

Theo bác sĩ Quang để điều trị trước hết cần phải rửa nhẹ thương tổn để loại bỏ phấn côn trùng và không gây tổn hại cho da.

Có thể bôi các kem làm dịu da như cetaphil, hồ nước nhưng thường sử dụng các kem có corticoid và kháng sinh như triderm, fucicort, gentrison.

Bôi các thuốc trên ngày 2-4 lần, trước khi bôi có thể đắp nước ấm, hoặc thuốc tím loãng. Không nên mặc quần áo quá chật để tránh cho da khỏi bị cọ xát, dễ gây kích thích tại chỗ.

Các mỹ phẩm có tính giữ ẩm da như cetaphil, lacticane có tác dụng giúp cho da không bị khô, bong tróc vảy.

Khô da mùa đông là biểu hiện rất thường gặp do độ ẩm của không khí giảm. Mặt là vùng da tiếp xúc nhiều nhất với môi trường nên rất hay bị khô gây nẻ. Da thân thể cũng khô.

Trong thời tiết này, bác sĩ khuyến cáo không nên tắm bằng nước quá nóng dễ gây tổn hại da, làm cho da mất đi bã bảo vệ da và làm da khô.

Biện pháp tốt nhất là chăm bôi các kem làm ẩm da nhiều lần trong ngày đồng thời kèm theo chế độ ăn uống phải nhiều nước, vitamin. Không nên ở quá nhiều trong phòng có điều hoà nhiệt độ nóng. Tập thể thao cho ra nhiều mồ hôi cũng giúp cho da dẻ được mịn màng, giảm khô trong mùa này.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814