22/9/2011 | 8:36:46 AM

Giun sán có thể giết người

Không cấp tính như nhiều bệnh truyền nhiễm khác nên những bệnh như giun chỉ bạch huyết và giun sán ký sinh… dường như đang bị lãng quên

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trên thế giới có khoảng 120 triệu người ở 81 nước nhiễm bệnh giun chỉ bạch huyết và trên 1 tỉ người đang sống trong vùng có bệnh lưu hành. Đây là một trong những bệnh gây tàn phế nhiều nhất cho người bệnh và cũng là một điển hình về những căn bệnh tưởng như có thể thanh toán từ rất lâu nhưng nay xuất hiện ngày càng nhiều và phức tạp, đe đọa sức khỏe con người.

Khoảng 60 triệu người Việt nhiễm giun

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương, cho biết bệnh giun chỉ bạch huyết phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Muỗi là vật trung gian truyền bệnh và gây ra những biến chứng nặng nề như phù toàn thể, phù “chân voi” hoặc cơ quan sinh dục ngoài, âm hộ và vú. Có những bệnh nhân chung sống với bệnh này hơn 30 năm trong hình dáng chân to, chân nhỏ giống chân voi vì không tìm ra căn nguyên của bệnh.

Giun san co the giet nguoi
Các loại thủy hải sản rất dễ nhiễm ký sinh trùng nên cần được nấu chín kỹ
Các bệnh do giun sán ký sinh cũng đang đe dọa hàng triệu người dân của những nước đang phát triển và nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương, chỉ tính riêng bệnh sán dây lợn, trung bình mỗi năm viện này tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, trong đó 84% có tổn thương não với các triệu chứng động kinh, liệt, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao. Một báo cáo mới đây cho thấy khoảng 60 triệu người Việt Nam đang nhiễm giun đũa, giun tóc và giun móc mà nguyên nhân là do ăn uống không hợp vệ sinh.

Mầm bệnh trong món ăn khoái khẩu

Theo TS Hùng, giun chỉ bạch huyết có thể sống từ 4-6 năm trong cơ thể người, có khả năng sinh ra hàng triệu ấu trùng lưu hành trong máu. Khi bệnh đã biến chứng sẽ khó có cơ hội chữa khỏi.

Với những căn bệnh có nguyên nhân từ giun sán ký sinh, PGS-TS Nguyễn Văn Đề, bộ môn ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội, cảnh báo: “Nếu không cẩn thận, con người sẽ trở thành “món ăn” của giun sán”. Nhiều món ăn khoái khẩu như gỏi cá, cua nướng, tiết canh, phở bò tái, thịt heo tái, nem chạo, nem chua… chính là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loại giun sán khác nhau. Ngay cả rau sống, món không thể thiếu trên bàn nhậu cũng như trong mỗi bữa ăn của nhiều gia đình, cũng là ổ chứa các loại giun sán.

Kết quả khảo sát trong gần 1.000 mẫu rau (muống, ngổ, cần, cải xanh, diếp, cải xoong) lấy tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, rất nhiều mẫu chứa ấu trùng giun đũa, giun móc, giun tóc… Trong đó, rau cải xanh nhiễm ấu trùng giun sán nhiều nhất. Đây là loại rau được nhiều người ăn sống hoặc làm món bò cuốn cải.

TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, bày tỏ lo ngại trước việc những bệnh tưởng chừng như đã bị xóa sổ nhưng hiện vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe con người; điều kiện kinh tế, tập quán ăn uống, vệ sinh… chưa tốt đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm và đang hạn chế hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh.

Có nơi tỉ lệ nhiễm đến 90%

Theo các chuyên gia y tế, các bệnh do giun sán gây ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh, gây viêm gan, áp xe gan, xơ gan, sỏi tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy, ung thư gan. Bệnh nhân nhiễm nhiều giun sán còn có thể bị thiếu máu dẫn đến suy tim. Giun cũng là nguyên nhân hàng đầu gây sỏi mật.
Tại Việt Nam, bệnh giun truyền qua đất phân bố rộng rãi trong cả nước với tỉ lệ nhiễm khác nhau ở các vùng miền. Đặc biệt ở nhiều nơi, tỉ lệ nhiễm lên đến 90%. Uớc tính có khoảng 67 triệu người ở 53/63 tỉnh, thành sống trong vùng dịch tễ của bệnh.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814